Mâu thuẫn then chốt
Giới quan sát nhận định, những diễn biến mới nhất này là chỉ dấu cho thấy tiến trình đàm phán vừa được nối lại hôm 6-4 tại Vienna (Áo) để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) còn nhiều chông gai và trắc trở. Quan trọng nhất, Iran và Mỹ - 2 “nhân vật chính” giữ vai trò tháo gỡ nút thắt, chưa thể đàm phán trực tiếp.
Đánh giá về những diễn biến cũng như kết quả của vòng đàm phán lần này, phía Mỹ tỏ ra chừng mực khi một mặt kêu gọi Iran nên có cách tiếp cận thực dụng hơn, đồng thời đề xuất ý tưởng rất nghiêm túc nhằm cứu vãn JCPOA, hiện đang chờ phía Tehran hồi âm. Về phần mình, Iran tái khẳng định lập trường, tuyên bố nước này loại trừ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp nào với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho rằng, quan điểm của Tehran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi điều chỉnh các hoạt động hạt nhân cho thấy Iran thiếu nghiêm túc. Các quan chức Mỹ khẳng định Washington sẽ không nhượng bộ Iran để đổi lấy thỏa thuận hạt nhân.
Những động thái bước đầu
Washington sẽ không dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Tehran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Iran. Giới chức Mỹ luôn bày tỏ quan điểm sẽ theo đuổi tiến trình đàm phán với Iran nhằm hướng tới một thỏa thuận “chặt chẽ và lâu dài hơn” để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như ngăn cản Tehran hậu thuẫn các lực lượng ở Iraq, Yemen, Lebanon và Syria.
Trong khi đó, Iran lâu nay vẫn khẳng định sẽ chỉ hành động sau khi Washington có bước đi đầu tiên, nhất là việc dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Tehran. Việc Iran ngay khi kết thúc cuộc tiếp xúc ở Vienna đã bắt đầu đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến làm giàu uranium với tốc độ nhanh hơn cho thấy, mặc dù đã tham gia đàm phán đồng thời tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác trong việc gây sức ép buộc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, song Iran cũng rất cương quyết trong việc giữ vững lập trường của mình. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, Tehran đã đưa ra một lộ trình hợp lý hướng tới việc khôi phục thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Tehran thực hiện trách nhiệm của mình. Còn theo trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, Tehran sẽ không ngừng từng phần chương trình hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu uranium lên mức 20% tinh khiết (mức có thể sản xuất vũ khí hạt nhân) cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Có thể nói, những động thái của Mỹ và Iran khiến cuộc đàm phán ở Vienna chỉ là bước đầu tiên trong một chặng đường dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài và rất khó khăn, thậm chí có thể lâm vào bế tắc khi các bên không chịu nhượng bộ và đáp ứng những yêu cầu của nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc tổ chức cuộc đàm phán này thực tế đã được coi là một bước tiến lớn và đúng hướng sau nhiều năm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề. Việc các bên liên quan nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới để thu hẹp bất đồng cũng thể hiện thiện chí duy trì đàm phán.
Theo JCPOA, Mỹ và các cường quốc nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, đổi lại Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này và cho phép các thanh sát viên giám sát từ bên trong. JCPOA đứng bên bờ sụp đổ sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu đẩy mạnh chương trình hạt nhân. |