Bộ NN-PTNT cho biết, ngay sau khi có thông tin gần 100 container nhân điều xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu bị lừa, bộ đã có cuộc họp với lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc. Thông tin từ kết quả cuộc họp cho biết, thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italy để xuất khẩu nhân điều sang nước này. Tổng lượng hàng xuất khẩu là 74 container. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán nhờ thu, hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”.
Cụ thể, sau khi làm thủ tục xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Các chứng từ này sau đó được chuyển cho ngân hàng của bên bán tại Việt Nam. Ngân hàng phía Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở châu Âu. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.
Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua châu Âu đã thất lạc. Với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho ngân hàng phía Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Sau đó, ngân hàng phía Việt Nam đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán tại Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua qua dịch vụ chuyển phát nhanh DHL. Sau khi nhận được bộ chứng từ từ DHL, ngân hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho ngân hàng phía Việt Nam rằng người mua không phải khách hàng của họ và thông báo đã gửi trả lại bộ chứng từ cho ngân hàng phía Việt Nam.
Nhưng, khi ngân hàng Việt Nam tra soát với Công ty DHL về tình trạng giao phát theo số vận đơn AWB do ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì được phản hồi rằng số AWB này không thuộc về các ngân hàng phía Việt Nam. Ngân hàng phía Việt Nam đã gửi nhiều điện để hỏi về tình trạng bộ chứng từ trả về nhưng không nhận được phản hồi. Với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Italy, các ngân hàng tại Italy đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là các bản photocopy, không phải bản gốc hoặc có trường hợp là giấy trắng, không đủ điều kiện để thanh toán.
Ngày 17-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 100 container hạt điều của Việt Nam xuất sang Italy có nguy cơ bị lừa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Công thương cũng đã có thông tin cho báo chí về vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Mới đây nhất, ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có các biện pháp xử lý, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin; gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển Kinh tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng của Italy đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp và Vinacas, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể, đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cầu can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo nhằm giảm tối đa tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc giải quyết vụ việc này cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy trong thời gian tới.
|