Nỗ lực chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” EC

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản, các tỉnh ven biển đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, với quyết tâm cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024; đồng thời thực hiện cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Qua đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Địa phương vào cuộc quyết liệt

Xác định công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nhằm quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, thời gian qua, các tỉnh ven biển đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả và có tính thực tiễn cao. Việc tháo gỡ “thẻ vàng” có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp tăng hiệu quả xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU) mà còn tạo cơ hội phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam.

Tỉnh Cà Mau có 4.265 tàu cá (1.542 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%); 7 cửa biển lớn có nhiều tàu cập bến, trong đó có 5 cảng cá đang hoạt động. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo, nhắc nhở trên hệ thống giám sát hành trình, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm khai thác IUU.

D3b.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền ngư dân về công tác chống khai thác IUU. Ảnh: Tấn Thái

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho hay, toàn tỉnh này có 6.169 tàu cá, trong đó có 3.221 tàu cá xa bờ. Tỉnh đã hoàn thành việc cấp đăng ký cho gần 1.000 tàu cá “2 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác) và “3 không” (không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm), thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 100% tàu cá xa bờ của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã cơ bản kiểm soát nhóm tàu cá 215 tàu (từ 12m đến dưới 15m) nằm trong nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài đang “lưu vong” vùng biển các tỉnh phía Nam.

Vừa qua, HĐND tỉnh Bình Định đã phê duyệt ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS cho nhóm tàu nguy cơ cao này. Đối với nhóm tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS, tỉnh Bình Định đề nghị các tỉnh phía Nam kiểm soát, tạm dừng không cho vươn khơi...

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, thông tin, đến tháng 11-2024, có 2.976/3.069 tàu cá của tỉnh này đã lắp đặt thiết bị VMS. Hiện còn 35 tàu cá còn khả năng hoạt động trong và ngoài tỉnh chưa lắp đặt thiết bị VMS. Địa phương đã công khai danh sách các tàu cá này để các đơn vị chức năng thuận tiện giám sát, theo dõi, quản lý.

Trong khi nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn tình trạng ngư dân đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép bị phía nước ngoài bắt giữ thì từ tháng 8-2022 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không để xảy ra tình trạng này. Thế nhưng, nguy cơ vẫn luôn rình rập khi số vụ mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình tàu cá ngày càng gia tăng và việc xác minh nguyên nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác quản lý tàu cá của tỉnh cũng chưa thật chặt chẽ, khi có đến 1.114 tàu cá “3 không” mới được phát hiện. Dù các tàu trên đã được đánh số tạm, giao cho các đơn vị ở địa phương quản lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chủ tàu đưa tàu đi khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tại tỉnh Bình Thuận, 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, công tác phòng chống khai thác IUU thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhờ giám sát chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ cao, trong năm 2024, tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay địa phương đã nỗ lực thực hiện công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác cho tàu cá “3 không” đạt trên 95,3%; trên 8.240 tàu cá được đăng kiểm; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho trên 7.100 tàu… Công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến và triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử cũng có tiến bộ.

HĐND tỉnh Bình Thuận mới đây đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao thiết bị VMS. Dự kiến có gần 2.000 tàu cá của địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí thuê bao thiết bị VMS trong 3 năm, tổng giá trị gần 12,3 tỷ đồng.

IUU là viết tắt của Illegal, Unreported and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Đây là những hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định về đánh bắt cá nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững.

Trải qua 4 đợt thanh tra của EU (vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023), công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ. Chính phủ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý cho phù hợp thực tiễn nghề cá của Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC.

Nhiều kết quả quan trọng

Thông tin về kết quả thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, đến nay ngành thủy sản cả nước đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC, đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, với sự tham vấn đầy đủ từ EC, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Hiện nay, ngành thủy sản đã cơ bản lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đánh bắt xa bờ. Các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được các địa phương lập danh sách, theo dõi, quản lý. Công tác theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, ra vào cảng, xuất nhập bến tại một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.

D1a.jpg
Tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) treo khẩu hiệu phòng chống IUU khi ra khơi. Ảnh: NGỌC OAI

Việc thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đã chặt chẽ hơn trước. Bộ NN-PTNT đã thiết lập, tổ chức triển khai thực hiện, yêu cầu các địa phương báo cáo, cập nhật sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hàng ngày tại cảng cá trên công cụ Googlesheet để theo dõi, giám sát. Tổ chức thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cơ quan công an đã khởi tố 11 vụ án hình sự; công tác điều tra, xác minh, xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước, đặc biệt là xử lý các hành vi vi phạm về ngắt kết nối thiết bị VMS và khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nêu trên, Bộ NN-PTNT nhìn nhận, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU chậm khắc phục theo khuyến nghị của EC.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Chống hoạt động khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Xóa bỏ “thẻ vàng” không chỉ giúp tăng xuất khẩu sang EU mà còn tạo cơ hội phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam. Cảnh báo “thẻ vàng” là một nguy cơ lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam, nhưng dưới góc độ tích cực, đây là đợt “sát hạch” quan trọng để Việt Nam nhìn lại mình.

Vì vậy, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ để đối phó với EC mà còn là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tổng số tàu cá cả nước: 84.720 chiếc.

Tàu đã được đăng ký: 75.398 chiếc.

Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS):

28.488/28.889 tàu cá, đạt 98%.

Đã công bố hạn ngạch giấy phép tại vùng khơi giai đoạn 2024 - 2029

là 29.552 giấy phép.

Tiếp tục nghiêm cấm cải hoán, đóng mới tàu cá theo quy định.

Thực hiện chuyển đổi nghề theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Bộ NN-PTNT

Tin cùng chuyên mục