Trẻ đặc biệt cần người thầy đặc biệt
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (huyện Củ Chi, TPHCM) như một mái nhà nhỏ của hơn 120 em tự kỷ (đa phần trên 12 tuổi) học bán trú và nội trú. Giới thiệu với chúng tôi về khuôn viên trường rất nhiều cây hoa và lấp lánh các sản phẩm thủ công, Th.S Huỳnh Ngọc Điền (71 tuổi, giáo viên phụ trách hướng nghiệp và trị liệu vận động) nói: “Mọi thứ trong sân này là sản phẩm của các em làm hết. Để dạy học trò xây được một cái bồn cây, tôi chỉ đi chỉ lại tầm 200 lần, em nào yếu thì tôi nói 500 lần từng công đoạn như xếp gạch, trám xi măng…”.
Những học trò đặc biệt này mắc rất nhiều rối loạn hành vi, nên việc dạy nghề cho các em cũng bắt đầu bằng những bước thật khó tin: dạy mắt phải nhìn vào tay khi làm việc, dạy tập trung làm từ vài phút, tăng lên 5-10 phút, dạy các em không nổi nóng, không đánh hay phun nước bọt vào bạn trong phối hợp làm việc nhóm…
Cũng vì “nặng nợ” với người tự kỷ, chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, ngụ Hà Nội, sáng lập Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story) quyết tâm xây dựng một nơi cưu mang những em này, dẫu chị phải làm một công việc khác để có thu nhập giúp duy trì hoạt động trung tâm. Tại đây, những điều tưởng như đơn giản như sở thích, năng khiếu… mà thiếu niên bằng tuổi các em có thể dễ dàng nhận thức được thì cô giáo “nghĩ phụ” từng em. Chị Thu nói: “Mình theo dõi để phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của các em. Em nào tay chân nhanh nhẹn thì mình hướng theo nghề pha chế, tay chân chậm hơn nhưng nhận xét màu tốt, có khiếu nghệ thuật thì mình hướng em ấy vẽ tranh, em nào mình thấy có trí nhớ tốt thì hướng học đan túi… Định hướng rồi thì mình tự tìm hiểu đủ các cách khơi gợi đam mê cho các em không nản trong quá trình học”. Cứ thế, cần 3-5 năm để mỗi em thành thạo một nghề.
Niềm vui từ những nhọc nhằn
Đem sản phẩm của các em gửi ở các cửa hàng thủ công, nghe phản hồi sản phẩm rất được yêu thích, khách hàng muốn đặt thêm, là một niềm vui lớn của cô trò chị Thu. “Tôi rất hạnh phúc khi trao lại tiền công thu nhập cho các em. Bản thân các em cũng nhận biết được mình có khiếm khuyết, thiệt thòi, cũng muốn được tôn trọng, được thể hiện mình. Sản phẩm được khách hàng trân trọng cũng là một sự công nhận lao động của người tự kỷ, công nhận các em cũng có thể tạo ra giá trị như người bình thường”, chị Thu nói.
Nhớ lại ngày nhận các em nhập học, mỗi em có một vấn đề khác nhau nhưng vấn đề của em nào cũng lớn. Có em gia đình tuyệt vọng, nên cứ bỏ kệ con nằm trong phòng, ngày này qua tháng khác, chỉ tới cữ cho ăn. Cháu đã 13 tuổi mà nằm hoài nên không biết đi, thầy cô dạy ngồi, dạy đứng, dạy mọi thứ từ đầu. Cô Võ Thị Thùy (69 tuổi, Giám đốc Trung tâm Khai Trí) kể: “Dạy từ từ, từ từ, vậy mà nay cháu 16 tuổi, cũng mạnh khỏe, hòa đồng, mỗi sáng ra tập thể dục, học nghề nông, trồng rau, trồng bắp, đẩy máy cày cùng các bạn”.
Với phương pháp học “trực quan sinh động” là chính, các học trò 6-7 tuổi nhìn thấy các anh chị lớn học đẩy máy cày, học cưa ống nước, ép gỗ làm mộc, nấu ăn… cũng rất thích và muốn được tham gia, trò vui mà thầy thấy trò ham học cũng vui. Có em thấy thầy đổ xăng vào máy cày, cũng bắt chước đêm đến lén đem nước, sữa, cát đổ vào máy. Sáng ra, thầy phát hiện máy hư, lại tốn tiền sửa, nhưng lại… mừng lắm vì những em “phá” như vậy là đã bắt đầu biết quan sát, biết nhận xét, bắt chước, từ đó học hành sẽ nhanh tiến bộ.
Từ chỗ được thầy cô rèn cho từng tương tác với những người sống chung, các em biết trả lời khi có người hỏi, rèn từng hành vi phù hợp với từng tình huống và ti tỉ những điều cỏn con khác. Có em tốt nghiệp nay đã đến Nhà văn hóa Phụ nữ học nghề làm bánh, uốn tóc, về cùng mẹ mở một cửa tiệm nhỏ. Nhiều em học cơ khí, nông nghiệp về phụ tiệm gỗ, trại chăn nuôi của họ hàng kiếm được đồng ra đồng vào, biết quản lý chi tiêu nuôi sống bản thân mình. Hay đơn giản là những ngày về thăm nhà giữa nhiều tháng trời học nội trú, các em biết mời mẹ đi nghỉ để em đảm nhận nhiệm vụ dọn dẹp nhà, bày hàng buôn bán phụ gia đình cũng kiên nhẫn sắp xếp ngay ngắn, làm tới nơi tới chốn… Từng thành tựu nhỏ bé này đều là phần quà lớn cho những người thầy dành cả đời đi cùng với các em.