Thưởng tết công bằng
Theo TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm nay trường duy trì mức thưởng tết cho toàn thể giảng viên, người lao động bằng năm 2024 là 1 tháng lương 13 và 16 triệu đồng. Như vậy, tùy theo chức vụ, hệ số lương, vị trí công việc và thâm niên, tổng mức thưởng tết năm 2025 của trường dao động từ 26-70 triệu đồng/người.
Trường ĐH Công thương TPHCM cũng đã công bố mức thưởng Tết Ất Tỵ 2025 với một mức chung cho toàn trường là 25 triệu đồng/người (cao hơn năm ngoái 5 triệu đồng). TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mức thưởng tết được hội đồng trường thông qua dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ của trường.
Theo đó, người lao động làm việc một năm trở lên, kể cả đi học ở nước ngoài hoặc trong thời kỳ thai sản, đều nhận thưởng tết với mức trên. Ngoài ra, trường lì xì thêm 3 triệu đồng/người vào dịp đầu năm mới. Trong năm, mỗi người hưởng mức lương khác nhau theo vị trí, công việc nên khi thưởng tết, trường thống nhất chung một mức để tất cả phấn khởi và tạo sự công bằng.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, dự kiến mức thưởng tết năm nay của trường thấp nhất bằng với năm ngoái là 25 triệu đồng/người. Theo đó, mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động nhận 1 tháng thu nhập và 25 triệu đồng. Trong đó, 1 tháng lương bao gồm lương theo quy định hệ số của nhà nước và lương nội bộ của trường. Như vậy, tiền thưởng tết của trường năm nay dao động từ 30-70 triệu đồng/người.
Nhiều trường ĐH, cao đẳng ngoài công lập như Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), Trường ĐH Đông Á (TP Đà Nẵng), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, Trường ĐH Văn Hiến, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn... cũng vừa thông qua quyết định thưởng tết cho giảng viên và người lao động.
Mức thưởng của những trường này dao động từ 10-30 triệu đồng/người. Với những giảng viên có thâm niên cao, giữ chức vụ từ trưởng, phó khoa trở lên có mức thưởng cao hơn. Riêng với giảng viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ngoài mức thưởng trên sẽ nhận được thêm hỗ trợ từ công đoàn nhà trường.
Niềm vui nhân đôi
Đối với khối phổ thông, giáo viên không có quy định lương “tháng thứ 13” hay thưởng tết do trường học là đơn vị hành chính sự nghiệp, không phải đơn vị kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị trường học trên địa bàn TPHCM được nhận chung mức hỗ trợ tết là 1,8 triệu đồng/người từ UBND TPHCM.
Ngoài ra, cũng trong tháng 1-2025, giáo viên các trường công lập tại TPHCM được nhận tiền thu nhập tăng thêm quý 4-2024 theo Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND (ngày 19-9-2023) của HĐND TPHCM quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 (ngày 24-6-2023) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, mức chi thu nhập tăng thêm được hưởng theo hệ số mức lương, ngạch, bậc, chức vụ. Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm các trường tính toán các khoản kết dư từ việc tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 cho biết, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn tất lộ trình triển khai cuốn chiếu ở tất cả khối lớp. Do đó, việc cân đối các khoản chi cho hoạt động mua sắm trang thiết bị, tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh, kết hợp với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ thầy, cô giáo phụ thuộc vào khả năng “lèo lái” của hiệu trưởng.
Đặc biệt, dịp Tết Ất Tỵ 2025 là lần đầu tiên đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước được nhận tiền thưởng định kỳ áp dụng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP (ngày 30-6-2024) của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Khoản tiền này được chi vào dịp cuối năm, trùng với giai đoạn chuẩn bị nghỉ tết nên được nhiều giáo viên gọi vui là “thưởng tết”.
Trên thực tế, đây là tiền thưởng theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên, được ngân sách cấp bằng 10% tổng quỹ lương (không bao gồm phụ cấp) của đơn vị. Theo quy định, việc chi trả khen thưởng phải hoàn tất trước ngày 31-1 của năm liền kề nên giáo viên sẽ được nhận trước thời điểm nghỉ tết. Ghi nhận từ các trường học trên địa bàn TPHCM, tùy vào hệ số khen thưởng của mỗi đơn vị, giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nhận từ 5-6 triệu đồng/người; giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nhận 4-5 triệu đồng/người và hoàn thành nhiệm vụ nhận 3-4 triệu đồng/người…
Trong khi đó, các trường phổ thông ngoài công lập đều duy trì mức thưởng tết bằng hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái. Mức thưởng tết của nhiều trường thường dao động từ 5-40 triệu đồng/người...
Ông NGUYỄN TRẦN KHÁNH BẢO, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân đoàn kết” năm 2025
Nhằm chăm lo cho đoàn viên công đoàn là cán bộ, giáo viên, người lao động đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM, Công đoàn ngành giáo dục TPHCM tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân đoàn kết” năm 2025. Cụ thể, cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đón Tết Ất Tỵ ở 5 huyện ngoại thành được trao 600 phần quà tết.
Ngoài ra, Công đoàn ngành giáo dục TPHCM còn tổ chức thăm hỏi, chúc tết và tặng quà cho 261 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại 8 đơn vị khó khăn, gồm: Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao (quận 1); Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ); Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (quận 1); Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình (quận Tân Bình); Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh) và Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10).
ThS NGUYỄN HẢI TRƯỜNG AN, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM: Thêm động lực tinh thần đến thầy, cô giáo
Thưởng tết không đơn thuần là một khoản tiền hay phần quà vật chất mà còn mang giá trị tinh thần to lớn. Nó giúp giáo viên, giảng viên cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng từ lãnh đạo, tạo động lực để họ cống hiến nhiều hơn trong công việc. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức như đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy và hội nhập quốc tế, sự chăm lo chu đáo về mặt vật chất và tinh thần càng trở nên quan trọng để giữ chân đội ngũ giảng viên, nhân viên chất lượng cao.
Việc thưởng tết và chăm lo cho giáo viên, giảng viên không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự đầu tư vào con người, yếu tố cốt lõi của sự phát triển bền vững của ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Đây là thông điệp khẳng định, những người thầy, cô không bao giờ bị lãng quên trong quá trình vun đắp tri thức và nhân cách cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
ThS PHÙNG QUÁN, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM): Chăm lo tập thể sư phạm góp phần nâng cao hiệu quả công việc
Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả tài chính trong năm được trường phân bổ vào 4 quỹ, gồm: phát triển hoạt động sự nghiệp, bổ sung thu nhập, khen thưởng và phúc lợi, quỹ khác. Sau khi lập 4 quỹ, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Các trường đã đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên được dành 1,5 - 3 tháng tiền lương, tiền công trong năm cho quỹ khen thưởng và phúc lợi. Số tiền lương, tiền công thường được các trường chi vào dịp Tết Nguyên đán gọi là thưởng tết.
Riêng với các trường ngoài công lập, mức thưởng được căn cứ vào hạch toán thu chi. Phần dôi dư sẽ được trích một phần vào tái đầu tư, chia cổ tức và thưởng vào dịp lễ, tết tùy theo quyết định của hội đồng trường (hội đồng quản trị).
Việc các trường công lập tự chủ, không còn được hưởng ngân sách, thì công tác chăm lo, cải thiện thu nhập cho giảng viên, người lao động như lương, thưởng trong các dịp lễ, tết và các chế độ chính sách là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tạo động lực góp phần nâng cao hiệu quả công việc của tập thể sư phạm nhà trường.