Nhiều năm qua, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất của người dân vùng ven biển, hải đảo. Hiện Cà Mau có tổng số 4.488 tàu cá lớn nhỏ. Ngư trường Cà Mau là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, do việc đánh bắt quá mức dẫn đến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, khai thác kém hiệu quả. Vì vậy, không ít ngư dân lén sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy mạnh xử lý hành vi vi phạm. Từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2021, ngành chức năng đã xử phạt 733 vụ/768 tàu, với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng; trong đó hành vi vi phạm IUU là 428 vụ/463 tàu, với số tiền xử phạt hơn 15 tỷ đồng.
Tại Kiên Giang, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, từ đầu năm tới nay, tỉnh tiếp nhận thông báo có 22 vụ, 30 tàu cá vi phạm vùng biển bị lực lượng bảo vệ biển các nước láng giềng bắt giữ. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tiến hành làm việc với 149 trường hợp tàu vượt ranh giới biển và mất tín hiệu trên biển quá 10 ngày; xử phạt vi phạm hành chính 89 trường hợp với các hành vi vi phạm như: không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng… Tỉnh Kiên Giang hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước, với hơn 8.000 chiếc có công suất máy chính từ 90CV trở lên.
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về gỡ “thẻ vàng” của EC, các địa phương ven biển ở ĐBSCL đang mở đợt cao điểm tổng kiểm tra hoạt động đánh bắt xa bờ, nuôi trồng và khai thác thủy sản ven bờ, tăng cường vận động ngư dân tuân thủ pháp luật; cùng nỗ lực chống khai thác IUU từ nay đến cuối năm 2021; đề nghị các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt cá.
Các tỉnh cũng siết chặt quản lý số lượng tàu cá và lao động đi biển trên địa bàn; khẩn trương rà soát, thu thập thông tin nhằm khoanh vùng, xác định các đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khai thác IUU.
Mặt khác, tổ chức kiểm điểm công khai đối với các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản vi phạm; tăng cường thêm lực lượng cho tàu kiểm ngư đủ sức hoạt động có hiệu quả; thành lập Chi cục Kiểm ngư để đảm bảo công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp tìm kiếm cứu nạn và chống khai thác IUU trong thời gian tới.