Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, mức thâm hụt trong cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 là 1,5 tỷ USD và 7 tháng là hơn 2,5 tỷ USD. Trong khi, cùng kỳ năm 2020, Việt Nam xuất siêu 8,7 tỷ USD. Sau nhiều năm liên tục xuất siêu kỷ lục thì từ tháng 5 đến nay, cán cân thương mại liên tục nghiêng về nhập khẩu.
Trong ngắn hạn, chưa thể nhận định được hiện tượng cán cân thương mại đảo chiều này là xấu hay tốt. Tuy nhiên, theo phân tích dữ liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc thâm hụt cán cân thương mại này không đáng lo ngại. Bởi lẽ, chiếm tới gần 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong các tháng qua là nhóm hàng nguyên liệu, tư liệu cần thiết nhập khẩu, phục vụ hoạt động sản xuất để xuất khẩu, như linh kiện điện tử, máy tính và điện thoại; máy móc thiết bị và phụ tùng; nguyên phụ liệu cho ngành da giày, dệt may, bông vải các loại, xăng dầu, chất dẻo...
Những loại hàng hóa này được nhập về rất nhiều trong các tháng qua, với kim ngạch nhập khẩu 7 tháng tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng nên phải tăng nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị đầu vào để sản xuất. Bộ Công thương cho rằng, theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm sau đó sẽ giảm vào nửa cuối năm; trong khi xuất khẩu thường đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
Dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao do các nước nhập khẩu đang triển khai mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine và mở cửa thị trường trở lại. Do đó, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, nhất là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Giá hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ tăng cao. Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới và đây là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nơi tiếp tục phải cách ly hoặc giãn cách xã hội, sản xuất công nghiệp đình trệ thì sẽ rất đáng lo trước thực trạng nhập khẩu nguyên liệu tăng nhưng sản xuất thất thường, bị phong tỏa.
Theo Bộ Công thương, trong các tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong số 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, 7 địa phương có chỉ số IIP giảm, trong đó TPHCM giảm 19,4%. Hiện nay, hầu như các địa phương có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước đều đang bị gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa do giãn cách xã hội. Việc thiếu container rỗng và cước vận chuyển, giá nguyên liệu tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.
Thêm nữa, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may, da giày… dù các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đang có nhu cầu cao nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp sẽ cần phải cố gắng duy trì sản xuất để tránh rủi ro là khách hàng, đối tác quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Bên cạnh đó, nếu chờ khi dịch được kiểm soát thì việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu, cán cân thương mại ra sao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine ở nước ta.
Theo Bộ Công thương, bên cạnh chỉ số sản xuất giảm do nhiều nơi thực hiện cách ly, phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, tạm dừng thì hiện nay, tình trạng ùn tắc hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu tại cảng Cát Lái (TPHCM), cửa khẩu biên giới Việt - Trung đang gia tăng, các thị trường xuất khẩu chính cũng đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 hoặc những trục trặc về vấn đề “thẻ vàng” của châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam... Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành cần sớm có giải pháp tổng thể, điều tiết phù hợp mà trước mắt là giải quyết khó khăn về kỹ thuật, hạ tầng logistics nhằm hạn chế ùn tắc hàng hóa, nguyên liệu; tăng cường khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nông lâm sản, thủy sản chăn nuôi sang các thị trường lớn như EU, Anh, Nhật Bản...