Nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường

Mặc dù còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phát triển mảng xanh, tuy nhiên, thời gian qua, những nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường ở TPHCM cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần mang lại môi trường sống xanh, sạch hơn cho người dân.
Điểm ô nhiễm do rác thải ở rạch Ụ Cây, quận 8, TPHCM đã được chuyển hóa thành vườn hoa nhỏ xanh, đẹp
Điểm ô nhiễm do rác thải ở rạch Ụ Cây, quận 8, TPHCM đã được chuyển hóa thành vườn hoa nhỏ xanh, đẹp

Xanh hóa nhiều bãi rác tự phát

Ngồi nhâm nhi ly cà phê trước rạch Ụ Cây, quận 8, ông Trần Văn Kính rất phấn khởi vì không nghĩ rằng khu vực này lại được cải tạo xanh, sạch đẹp như vậy. Theo ông Kính, khoảng 7-8 năm về trước, khu vực này rất ô nhiễm do nạn xả rác thải bừa bãi. Ai đi qua khu vực này cũng phải bịt kín mặt mũi vì không chịu được mùi hôi thối. Ấy vậy mà, hôm nay khu vực này đã thật sự được đổi thay, từ bãi rác tự phát gây ô nhiễm cho khu dân cư đã được khoác “áo mới”, chuyển hóa thành vườn hoa nhỏ rất sạch đẹp… Rạch Ụ Cây chỉ là một điển hình trong hàng trăm điểm đen ô nhiễm do rác thải tự phát được thành phố thực hiện cải tạo, xanh hóa. Những nỗ lực của thành phố đã và đang góp phần làm thay đổi rất nhiều môi trường sống cho người dân.

Theo Sở TN-MT TPHCM, thành phố đang chịu áp lực thu gom, xử lý chất thải từ nhiều lĩnh vực như sinh hoạt, xây dựng, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất. Trước bối cảnh đó, bảo đảm chất lượng môi trường cho thành phố là yếu tố rất cấp thiết và trên thực tế, nhiều quận, huyện, tổ chức trên địa bàn đã thực hiện tốt việc ký cam kết giữa người dân và chính quyền, nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, kênh rạch. Tính từ năm 2021 đến nay, TPHCM đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải; giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98%; trong đó đã chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa mini…

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa, TP Thủ Đức có nhiều dự án đã và đang triển khai xây dựng, dân số tăng nhanh, phải đối mặt với các thách thức lớn về tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, hình thành các điểm rác phát sinh, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, năm 2022, TP Thủ Đức đã ký cam kết với UBND 34 phường thực hiện chương trình “Giải quyết các điểm phát sinh về rác trên địa bàn TP Thủ Đức”. Qua kiểm tra giám sát, đến nay đã có 140/201 điểm đã được các đơn vị ra quân xử lý sạch tình trạng rác phát sinh.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cũng cho biết, triển khai phong trào “Mỗi cơ sở hội một công trình xanh”, trong năm 2022, các cấp hội đã thực hiện hơn 140 công trình xanh như cải tạo bãi đất trống các điểm đen về rác thành các vườn rau, sân chơi thiếu nhi, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao tại khu dân cư, vận động lắp đặt camera an ninh để phát hiện các hành vi xả rác bừa bãi…

Theo Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, hệ thống mặt trận từ huyện đến xã, thị trấn và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư, thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Các ban công tác mặt trận ấp đã phối hợp xóa 43/43 điểm đen về môi trường trên địa bàn huyện, chuyển hóa 14 điểm đen thành điểm xanh như hình thành đường hoa, khu vui chơi.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng vứt rác sinh hoạt bừa bãi ở TPHCM trở thành một thói quen xấu, khó bỏ của một bộ phận người dân. Không ít tuyến đường, khu vực công viên, gầm cầu, bãi đất trống... đều có thể trở thành điểm tập kết rác tự phát. Thói quen vứt rác bừa bãi ra khu vực công cộng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để ngăn ngừa tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường, thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cho đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm. Song song đó, rất cần chế tài xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm theo Luật Bảo vệ môi trường.

Đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bỏ rác đúng quy định, Sở TN-MT sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh tại các điểm đã được dọn dẹp vệ sinh cũng như các điểm còn tồn đọng trên địa bàn để ghi nhận, đề nghị các địa phương xử lý. Ngoài ra, sở cũng đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường tuyên truyền, có biện pháp chế tài, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng cho rằng, để môi trường sống của người dân được sạch, xanh, các địa phương cần thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải; duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi ở các tuyến đường trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường.

Tin cùng chuyên mục