Xanh hóa dòng nước đen
Nhiều năm trước đây, hàng chục hộ dân sống xung quanh rạch Lăng (phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM) hết sức khổ sở vì dòng nước bị tắc nghẽn, nước mưa ứ đọng, rác thải vứt vô tội vạ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tình trạng nêu trên chỉ tạm chấm dứt khi con rạch được nạo vét 1.200m với khoảng 20.000m3 bùn đất, nhờ đó dòng chảy đã được khơi thông, không còn bốc mùi hôi thối.
Tương tự, trong ký ức của người dân sống ven rạch Ông Học (quận 12) là dòng nước đen kịt, đầy rác. Đây là con rạch dài 1.200m, chạy qua khu dân cư đông đúc. Nạn xả rác, lấn chiếm khiến con rạch này bị nghẽn dòng chảy, thường xuyên gây ngập nước và dịch bệnh cho cư dân ven bờ. Bây giờ, rạch Ông Học đã được cải tạo, xây kè kiên cố, dòng chảy đã thông thoáng, trong xanh.
Được biết, từ năm 2016, UBND TPHCM đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (nay đã giải thể, sáp nhập) thực hiện nạo vét 18 tuyến rạch trên địa bàn quận 12 với mục tiêu ban đầu là khơi thông dòng chảy nhằm bảo đảm tiêu thoát nước trong khu vực. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế các tuyến rạch này, UBND quận 12 nhận thấy việc thực hiện nạo vét thông thường chỉ giải quyết vấn đề tiêu thoát nước tạm thời, không phát huy hiệu quả cao trong quá trình sử dụng, bảo trì lâu dài.
UBND quận 12 đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương chuyển giao việc thực hiện cải tạo 18 tuyến rạch này từ trung tâm cho UBND quận 12 thực hiện nạo vét và kiên cố hóa. Đến nay đã hoàn thành 4/9 dự án đã khởi công. Quận 12 đang tiếp tục đẩy nhanh việc cải tạo 14 tuyến kênh rạch còn lại trên địa bàn. Tổng mức đầu tư của 18 dự án này hơn 800 tỷ đồng.
Kẻ ở, người đi
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, đối với cải tạo hệ thống sông, kênh rạch, việc khó khăn nhất vẫn là đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân cần chỗ ở ổn định, bảo đảm sinh kế, con cái học hành thuận tiện. Chủ đầu tư cần giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế. Để đẩy nhanh tiến độ, quận 12 đã công khai thông tin về dự án, vận động người dân đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng. Đối với những hộ dân lấn chiếm ven kênh rạch để xây nhà, quận đã vận động di dời và trong kinh phí cho phép, quận hỗ trợ một phần để người dân di dời, ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, tại rạch Xuyên Tâm, đoạn chảy qua địa bàn phường 24 và 25 quận Bình Thạnh, anh Lê Châu bức xúc: “Sau 10 năm chịu đựng cảnh ô nhiễm kinh khủng, dòng rạch bị thu hẹp gây ách tắc dòng chảy, nước bẩn tràn vào nhà mỗi khi triều cường, gia đình tôi đành phải chuyển chỗ ở đi nơi khác, nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ khác chưa có điều kiện di dời nên vẫn phải sống bên dòng rạch nước đen ngòm, hôi thối”.
Khó khăn lớn nữa trong việc chỉnh trang và cải tạo kênh rạch là nguồn kinh phí thực hiện. Hơn 10 năm trước, thành phố đã muốn chỉnh trang, cải tạo tuyến rạch Xuyên Tâm dài 8km đi qua địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Con rạch này một thời gian dài bị nhà dân lấn chiếm xây dựng dọc theo kênh làm thu hẹp dòng chảy và trở thành “thùng chứa rác” khổng lồ.
Khảo sát của UBND quận Bình Thạnh cho thấy có khoảng 2.135 căn nhà dọc theo tuyến kênh bị ảnh hưởng với chi phí đền bù hơn 3.751 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí xây dựng, nhiều khả năng kinh phí thực hiện dự án có thể tăng đến gần 9.000 tỷ đồng...
Các chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất để có thể đẩy nhanh tiến độ cải tạo các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố là kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Nhà nước cần có thể chế, chính sách để cộng đồng có thể tham gia tích cực, không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch chung mà còn ở cả giai đoạn duy trì, quản lý sau này.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng thành phố nên tính đến giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh kênh rạch. Khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang cần quy hoạch mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án; đồng thời có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng. Trước mắt, thành phố có thể tập trung thực hiện một số tuyến kênh rạch chính như rạch Xuyên Tâm, tránh việc đầu tư dàn trải.
6 nhóm nguyên nhân gây ngập Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, có 6 nhóm nguyên nhân gây ngập. Trong đó, nhóm nguyên nhân được chấm điểm cao nhất “do nhận thức kém của người dân” với 5,93 điểm (thang điểm 7). Tiếp theo là công tác quy hoạch (5,56 điểm), công tác quản lý (5,51 điểm), điều kiện tự nhiên (5,45 điểm), thiếu vốn đầu tư (5,45 điểm), thực thi quy hoạch kém (5,23 điểm). Dự đoán trong 5 năm tới (đến năm 2025), nguyên nhân ngập tại TPHCM do nhận thức kém của người dân vẫn được đánh giá cao nhất (5,86 điểm), tiếp theo là điều kiện tự nhiên (5,63 điểm). Kết quả này do 22 chuyên gia gồm các nhà khoa học, đại diện các sở ngành, chuyên gia độc lập… chấm điểm, sử dụng phương pháp Linkent dựa trên bộ tiêu chí đánh giá nguyên nhân ngập do nhóm nghiên cứu của viện đưa ra. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhóm nguyên nhân nhận thức kém của người dân được thể hiện qua 2 tiêu chí là lấn chiếm vỉa hè, làm bít miệng cống thoát nước và xả rác ngay miệng cống hoặc đổ thẳng xuống kênh rạch. Từ hiện trạng này, viện đề xuất 33 nhóm giải pháp giảm ngập trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, để tăng cường nhận thức người dân, cần xây dựng và ban hành quy chế xử phạt nặng hành vi lấn chiếm kênh rạch và hệ thống thoát nước; đề xuất thành lập thí điểm thanh tra chuyên ngành thoát nước và tích cực xử phạt qua camera với hành vi đổ dầu mỡ, thức ăn thừa xuống cống gây đông cứng làm tắc nghẽn dòng chảy. Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch liên vùng. |
36,5 tỷ đồng nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Thông tin từ UBND TPHCM, từ năm 2016 - 2018, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được 81,2km sông, kênh rạch với tổng số 229 tuyến; vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện đã giảm 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt. Người dân tập thể dục bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: VIỆT DŨNG Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục cải tạo rạch Xuyên Tâm; chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo rạch khu vực nội đô, gồm: Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp... Cùng với đó là dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 9km, với tổng khối lượng bùn dự kiến nạo vét khoảng 122.000m3, kinh phí 36,5 tỷ đồng. Bùn thải sau khi nạo vét sẽ chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để xử lý theo quy trình. Việc nạo vét dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2020. |