Nỗ lực bình ổn thị trường dịp Tết Ất Tỵ 2025

Để người dân yên tâm mua sắm tết, không lo hàng hóa tăng giá đột biến, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã sớm có kế hoạch bình ổn thị trường, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp chung tay tham gia.

Doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động nguồn hàng bình ổn thị trường dịp cuối năm
Doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động nguồn hàng bình ổn thị trường dịp cuối năm

Nhiều tỉnh, thành thực hiện bình ổn giá

Với dân số khoảng 18 triệu người, vùng ĐBSCL được đánh giá có nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng tiêu dùng rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Do vậy, để phục vụ người dân trong vùng mua sắm tết, ngành công thương các địa phương như TP Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… đã có phương án bình ổn giá hàng hóa.

Cụ thể, TP Cần Thơ đã có phương án bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm với mục tiêu trọng tâm là quyết tâm giữ ổn định giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Thông tin từ Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại và Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, chương trình chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 10 đến 31-12), thực hiện các hoạt động bình ổn giá hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân các ngày lễ cuối năm và Tết Dương lịch, dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Giai đoạn 2 (từ ngày 1-1 đến 3-3-2025), thực hiện các hoạt động bình ổn giá hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2025 và các ngày lễ đầu năm. Theo kế hoạch, nhóm hàng tham gia là lương thực, thực phẩm (gạo, mì ăn liền, thực phẩm chế biến các loại, thịt các loại, trứng, thủy hải sản…); nước giải khát, bánh, kẹo, mứt; gia vị (đường, dầu ăn, nước chấm các loại, bột ngọt, bột nêm các loại)…

Đến nay, chương trình nhận được đăng ký tham gia của 8 doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị dự trữ hàng hóa khoảng 2.299 tỷ đồng. “Chương trình hướng đến việc triển khai các giải pháp ổn định cung - cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động phân phối hàng hóa kết hợp ứng dụng thương mại điện tử để hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời, hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường quảng bá hàng Việt Nam, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương”, đại diện Sở Công thương TP Cần Thơ chia sẻ.

Tương tự, Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, tham gia bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2025, tỉnh có 23 DN chủ lực đã đăng ký (tăng hơn 53% so năm trước), với 444 cửa hàng ở các địa phương. Ước tính, tổng số tiền dự trữ hơn 4.562 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trị giá 954 tỷ đồng. Dự kiến, các DN sẽ cung ứng 6.894 tấn gạo, 1.310 tấn thịt heo, 1.118 tấn thịt gà, vịt, 2.741 tấn thủy sản, gần 1,5 triệu trứng gia cầm, 70.437 thùng mì ăn liền…

Các địa phương như Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… cũng đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh cuối năm. Đặc biệt, ngoài chủ động phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường, các địa phương còn chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng… “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết.

Chủ động nguồn hàng

Là DN luôn đi đầu trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường, kinh nghiệm tham gia Chương trình bình ổn thị trường 27 năm qua, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, từ giữa năm 2024, Saigon Co.op đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường giai đoạn cao điểm cuối năm. Như mọi năm, phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… còn lại là hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, để có nguồn hàng số lượng lớn, giá tốt, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Saigon Co.op cũng dự báo về cung - cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp. “Với nhiều nhà cung cấp là các hợp tác xã, các DN nhỏ và vừa… sẽ được chúng tôi hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng mà Saigon Co.op là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa”, ông Thắng nói.

Theo dự báo của giới kinh doanh, thông thường, khoảng thời gian từ 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán, người dân sẽ bắt đầu mua sắm tết, tập trung vào các mặt hàng trang trí nhà cửa, đồ dùng thiết yếu, bánh kẹo… Do đó, cùng với việc bình ổn giá hàng hóa, ngành công thương các tỉnh, thành ĐBSCL cho biết, các DN trong vùng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Các hệ thống DN có siêu thị hiện diện ở khắp các tỉnh ĐBSCL như Co.opmart, Winmart… đều khẳng định sẽ tổ chức những chuyến hàng lưu động về các vùng nông thôn, qua đó mang hàng Việt giá tốt phục vụ bà con mua sắm tết.

Cuối tháng 10-2024, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 10 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu tiêu dùng cho nhân dân rất quan trọng. Từ đó, Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT... chú trọng vấn đề cung - cầu hàng hóa những tháng cuối năm, khi cung - cầu đảm bảo thì giá sẽ ổn định. Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu hàng hóa dịp tết tăng cao, cần có dự trữ và chuẩn bị sớm. Đặc biệt, cần chú ý đến công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán

Tin cùng chuyên mục