Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, cho biết đơn vị đang quản lý khoảng 700km đường ống truyền dẫn nước sạch đi qua 23 quận huyện (trừ huyện Củ Chi). Trong số này, 11 tuyến ống đang bị lấn chiếm hành lang an toàn với chiều dài gần 19km (chiếm hơn 2% tổng chiều dài toàn tuyến).
Các hình thức lấn chiếm đa dạng nhưng chủ yếu là xây nhà hoặc vật kiến trúc trên lưng ống; rào chắn, trồng cây trên hành lang bảo vệ… Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác bảo trì, bảo dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự cố làm thất thoát, lãng phí nước sạch.
Điển hình, một đoạn đường ống truyền dẫn nước sạch trên tuyến D600mm quốc lộ 1A (gần cầu vượt Bình Phước, quận Thủ Đức) đã bị bao chiếm thành sân nhà dân. Căn nhà này được cho thuê làm cơ sở sản xuất và quá trình hoạt động do phát sinh hóa chất làm bào mòn, bể ống dẫn nước, gây thất thoát nước sạch.
Ngoài ra, có những tuyến ống bị lấn chiếm hàng kilômét, như ống D1500mm tuyến Bình Thái - Bình Lợi (dài hơn 11km, từ đường Nguyễn Văn Bá đến Phan Văn Trị, thuộc các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp) bị lấn chiếm nhiều nơi. Một số hộ còn vô tư xây dựng trên lưng ống dẫn nước.
Tương tự, trên tuyến ống độc đạo truyền dẫn D2000mm dài 12km từ Nhà máy nước Thủ Đức đến cầu Điện Biên Phủ có nhiều công trình ngầm và nhà dân vi phạm vào hành lang đường ống.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, các vị trí bị lấn chiếm chủ yếu phát sinh từ nhiều năm trước. Đơn cử như tuyến D600mm quốc lộ 1A, sau khi nhận được thông tin báo ống nước bể, đơn vị cùng chính quyền địa phương đến sửa chữa và vận động người dân hoàn trả lại hành lang. Tuy nhiên, việc lấn chiếm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nên chưa thể xử lý rốt ráo được.
Để hạn chế tình trạng lấn chiếm, xí nghiệp thực hiện nhiều biện pháp, như tổ chức tuần tra thường xuyên ở các tuyến ống chính nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm; phát động cán bộ, công nhân viên tham gia giám sát để có hướng xử lý kịp thời các điểm lấn chiếm; xây dựng kế hoạch phối hợp với một số địa phương như phường Trường Thọ, phường Linh Đông - quận Thủ Đức; phường 11 quận Bình Thạnh để bảo vệ, tuần tra những khu vực dễ xảy ra lấn chiếm.
Bên cạnh đó, xí nghiệp cũng cắm lại mốc bị mất ở hành lang, lập biên bản ghi nhận các trường hợp lấn chiếm và đề nghị địa phương hỗ trợ xử lý. Để bảo vệ hành lang, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Đối với các đơn vị có trụ sở nằm dọc đường ống mà có đường nội bộ băng ngang, xí nghiệp yêu cầu phải làm cầu vượt để lưu thông và thỏa thuận, cam kết thực hiện tháo dỡ khi có yêu cầu sửa chữa của xí nghiệp.
Từ những biện pháp trên, theo ông Nguyễn Thanh Phương, gần đây hành lang của toàn tuyến truyền dẫn nước sạch không phát sinh tình trạng lấn chiếm mới. Đối với các trường hợp tồn tại lâu nay, Ban Quản lý Dự án cấp nước (thuộc Sawaco) đang từng bước xử lý dứt điểm, nhằm đảm bảo công tác bảo dưỡng, bảo trì, cung cấp nguồn nước chất lượng cho người dân thành phố.