Theo dự thảo, nợ tự vay tự trả sẽ không tính vào nợ công vì DNNN là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp DNNN gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay. Hơn nữa, trường hợp DNNN gặp khó khăn trả nợ thì xử lý theo quy định của Luật Phá sản, bình đẳng như đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác.
Nhận xét về dự thảo, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), cho rằng, dự thảo chưa có gì đổi mới. Nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập nếu có nguy cơ phá sản thì Chính phủ có bỏ tiền ra không? Nếu Nhà nước bỏ ra trả thì đó có phải nợ trong nước hay nợ gì?… Đó là những điều cần phải làm rõ, minh bạch thì mới đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), cũng đề nghị đưa nợ DNNN vào nợ công vì thực tế DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn hay giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm khoản nợ của DN và thực tế Nhà nước cũng đã phải trả nợ thay.
Dù thống nhất phạm vi nợ công như dự thảo (gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương) song ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), cho rằng, dự thảo cần tính toán kỹ hơn các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh. Chẳng hạn như: nợ của DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối vậy khi DN không trả được nợ, Nhà nước có trách nhiệm không? Nợ của DNNN song song tồn tại khoản Chính phủ bảo lãnh và không bảo lãnh thì khi DNNN mất khả năng trả nợ, trách nhiệm của Nhà nước đến đâu?
Cũng theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo, DNNN tự vay trả nhưng vẫn nhận hỗ trợ “mềm” của Chính phủ như khoanh, giãn nợ… nên vừa qua không có DNNN nào phá sản do vẫn được Nhà nước hỗ trợ. Những khoản hỗ trợ này đều tăng chi ngân sách, ảnh hưởng nợ công. Ví dụ như nợ Vinashin cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ tiền bù, chuyển một phần nợ sang Vinalines.
Thống nhất với việc không đưa nợ của DNNN, tổ chức kinh tế khác… vào nợ công nhưng ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), lưu ý là có những khoản không tính vào nợ công song Nhà nước vẫn phải gánh chịu. Ví dụ như đơn vị sự nghiệp công lập không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải gánh nợ thay vì đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và không có quy định đơn vị đó phá sản va thực tế không thể phá sản. Nếu đơn vị đó phá sản thì tín nhiệm quốc gia sẽ giảm và ảnh hưởng đến vay sau này. Cũng theo ĐB Hoàng Quang Hàm, nợ nước ngoài của DNNN nên tính vào nợ quốc gia và cần phải quy định rõ trong luật này để giám sát, xử lý rủi ro. Quốc tế không có đặc thù như Việt Nam nên không có thông lệ.
Tuy nhiên, một số ĐB khác cũng đồng thuận với lập luận của Chính phủ là không nên đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công. Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), nếu như tính nợ tự vay, tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập vào nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ lớn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần quy định chặt chẽ DNNN vay nợ, nguồn trả nợ để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.