Nếu chia theo cấp độ châu lục, hơn 90% nợ công toàn cầu tập trung ở Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, trong khi đó, các khu vực như châu Phi, Nam Mỹ... chiếm dưới 10%. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các nền kinh tế phát triển nắm giữ phần lớn nợ thế giới (khoảng 75,4%), trong khi các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển nắm giữ phần còn lại.
Nếu đánh giá nợ công từng quốc gia theo dữ liệu do IMF công bố hồi tháng 10, quốc gia mắc nợ nhiều nhất là Mỹ với tổng nợ khoảng 23.000 tỷ USD. Hiện Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với tỷ lệ nợ trên GDP ở mức 104,3%. Nhật Bản có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất (237,1%). Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng nợ chính phủ lên gần 2.000 tỷ USD chỉ trong 2 năm qua. Các nền kinh tế châu Âu như Italy và Bỉ có tỷ lệ nợ 100% so với GDP.
Số nợ công của Mỹ bắt đầu tăng từ đầu những năm 1980, từ mức dưới 1.000 tỷ USD lên con số hơn 23.000 tỷ USD hiện nay. Hầu hết các dự báo gần đây từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đều cho thấy con số này sẽ đạt 150% vào năm 2049.
Nguyên nhân chính dẫn tới nợ công của Mỹ tăng là do thâm hụt ngân sách chính phủ nước này. Thâm hụt ngân sách đã tăng lên dưới thời Tổng thống Donald Trump, được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2022, từ mức ước tính khoảng 900 tỷ USD trong tài khóa 2019.