Theo tờ New York Times, Bộ Tài chính Mỹ công bố nợ công quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt qua mức kỷ lục 32.000 tỷ USD trong tuần qua, chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Joe Biden ký duyệt dự luật đình chỉ trần nợ công ở mức 31.400 tỷ USD, ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ. Dự luật này cho phép Chính phủ Mỹ tiếp tục vay tiền không giới hạn cho đến ngày 1-1-2025, khi việc đình chỉ trần nợ kết thúc. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể tiếp tục chi trả cho các dịch vụ công trong nước, chẳng hạn như an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm Medicare.
Từ tháng 1 năm nay, đồng hồ nợ công của Mỹ đã điểm 31.400 tỷ USD, chạm giới hạn vay, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động, tránh tình trạng vỡ nợ dự kiến xảy ra vào đầu tháng 6. Việc Mỹ rơi vào khủng hoảng nợ công đã gây ra cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng giữa các thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về các ưu tiên chi tiêu, khiến việc phê chuẩn biện pháp này gặp nhiều nguy cơ. Vào ngày làm việc đầu tiên sau khi mức trần nợ được đình chỉ, khoản vay của liên bang đã tăng khoảng 400 tỷ USD.
Theo luật của Mỹ, trần nợ công, hay giới hạn nợ, là mức trần pháp lý về số tiền mà Chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ của Chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện. Trần nợ công của Mỹ đã được nâng tổng cộng 78 lần kể từ năm 1960, lần nâng gần đây nhất là vào năm 2021.
Cũng theo New York Times, mốc nợ công 32.000 tỷ USD đã xuất hiện sớm hơn 9 năm so với dự báo trước đại dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, để tránh một cuộc khủng hoảng khác, chính phủ cần giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ nần, đó là tăng chi tiêu và thiếu doanh thu để bù đắp các khoản nợ. Theo dự đoán của quỹ Peter G. Peterson của Mỹ, Mỹ có thể nợ thêm 127.000 tỷ USD trong 30 năm tới, với chi phí lãi vay chiếm khoảng 40% doanh thu liên bang của quốc gia vào năm 2053.