Hạ nhiệt bong bóng nợ công
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ Jodey Arrington kêu gọi Chính phủ Mỹ cần thực hiện thêm các biện pháp tài chính và chi tiêu có trách nhiệm hơn, nhằm hạ nhiệt bong bóng nợ công đang phình lên nhanh chóng. Nợ công Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây dưới thời chính quyền của cả cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden.
Khi ông D.Trump rời nhiệm sở, khoản nợ công đã tăng từ 8,4 ngàn tỷ USD lên 27,7 ngàn tỷ USD. Điều này tiếp tục xảy ra dưới thời ông Biden. Dù trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Biden, lãi suất đi vay có phần giảm so với thời ông Trump nhưng hiện đã tăng trở lại và khoản nợ của Mỹ đã tăng thêm 1 ngàn tỷ USD chỉ trong năm nay. Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, khoản nợ hiện tương đương 104.497 USD/người. Về lâu dài, nợ cao có thể dẫn tới lãi suất cao, ngân sách bị cắt giảm nghiêm trọng và thậm chí là chính phủ vỡ nợ.
Theo giới quan sát, việc cả 2 ứng cử viên Tổng thống là ông Trump và bà Kamala Harris không nhắc nhiều đến thâm hụt ngân sách và nợ công trong chiến dịch tranh cử cho thấy bong bóng này sẽ còn phình to hơn nữa trong tương lai. Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả những biện pháp đối phó như đánh thuế người giàu hay cắt giảm ngân sách các chương trình y tế, an sinh xã hội cũng không giúp ích nhiều cho khoản nợ công khổng lồ hiện nay.
Các nhóm nghiên cứu hàng đầu đưa ra một loạt kiến nghị nhằm giảm khối nợ công của Mỹ, trong đó nhấn mạnh tình trạng này có thể được giải quyết nếu 2 đảng chính đồng lòng thực hiện. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho rằng hạn chế chi tiêu lãng phí là đủ để giải quyết nợ, còn đảng Dân chủ tin rằng giải pháp là tăng thuế đối với người giàu.
Rủi ro ngày càng tăng
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chỉ trích gay gắt sự mất cân bằng dai dẳng của chính sách tài khóa Mỹ và gọi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Washington là “rủi ro ngày càng tăng” đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Bất chấp những thách thức trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết khoản nợ trên là hợp lý nếu so sánh với quy mô kinh tế Mỹ và hiện bà tập trung chủ yếu vào thanh toán lãi vay nợ công. Nhà Trắng cũng đang có kế hoạch tăng thuế giới nhà giàu và các doanh nghiệp nhằm cắt giảm 3 ngàn tỷ USD thâm hụt ngân sách.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 30-7 (giờ địa phương), nhưng có thể mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9 bằng cách thừa nhận lạm phát đã tiến gần hơn đến mục tiêu 2%. Thị trường vẫn chờ đợi về diễn biến cuộc họp bởi các quan điểm và thông điệp tại cuộc họp này cũng có nhiều ý nghĩa để giới tài chính dự báo về các động thái kinh tế của Chính phủ Mỹ thời gian tới.