Cụ thể, Công ty Vạn Đạt có ký hợp đồng cho thuê mặt bằng số 01-05/09 VĐ-NSG ngày 29-5-2009 với Saplastic. Điều 8.2 trong hợp đồng này quy định rõ nếu bên Saplastic không thanh toán tiền thuê mặt bằng một tháng thì hợp đồng kết thúc. Tuy nhiên, từ tháng 12-2018 đến nay, Saplastic không thanh toán tiền thuê mặt bằng và chiếm dụng, không trả lại mặt bằng cho Công ty Vạn Đạt.
Ngày 24-3-2019, Công ty Vạn Đạt đã gửi hồ sơ vụ việc đến TAND quận Tân Phú, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được xét xử. Bà Vân cho rằng, tính đến ngày 31-10-2019, Saplastic đã gây ra thiệt hại cho Công ty Vạn Đạt 2,161 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, Saplastic nằm trong danh sách 22 doanh nghiệp rất chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội, với số nợ bảo hiểm 6,5 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán gần đây cho thấy, Saplastic còn nợ các ngân hàng gồm: BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa hơn 399 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Phú Nhuận gần 50 tỷ đồng; HDBank hơn 35 tỷ đồng; Indovina chi nhánh Chợ Lớn gần 30 tỷ đồng; Quốc dân chi nhánh Sài Gòn gần 130 tỷ đồng. Ngoài ra, Saplastic chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2019 vào kết quả kinh doanh trong kỳ, tổng chi phí lãi vay theo ước tính là 25,5 tỷ đồng.
Giải trình với đơn vị kiểm toán, tại văn bản số 0150/SPP-CVGT/2019 ngày 15-8-2019, lãnh đạo Saplastic cho hay: Về nợ vay quá hạn ngân hàng, công ty đang tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy gặp một số khó khăn về tài chính.
Công ty đã và đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group của Mỹ để thu hút vốn đầu tư, với phương án dự kiến là bán 51% vốn cổ phần cho PHI Group và thu về khoảng 50 triệu USD. Với số tiền thu được này, công ty dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
Về lãi vay chưa hạch toán, do công ty và một số tổ chức tín dụng đang trong quá trình thương lượng, chưa thống nhất về mức lãi vay nên công ty chưa có số liệu để hạch toán. Công ty sẽ hạch toán đủ tiền lãi vay trong kỳ tiếp theo.
Trong hơn một năm qua, cổ phiếu SPP giảm giá từ vùng 5.500 đồng/CP về vùng 2.500 - 3.000 đồng/CP và giá trị vốn hóa thị trường của công ty này chỉ đạt 88 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu mà lãnh đạo Saplastic có thể thu về 50 triệu USD từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đang thụt lùi và nợ chồng chất?
Theo ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện thành phố có 22 doanh nghiệp rất chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến 51 tỷ đồng. Mặc dù cơ quan BHXH đã nhắc nhở, tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhưng các doanh nghiệp này vẫn không thực hiện quyết định xử phạt và tiếp tục vi phạm. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. |