Đó là loại bỏng dạng ống thổi được trộn ít đường nên phồng to như cổ tay trẻ con. Đây là món quà quê dân dã của người Việt đã có từ rất lâu rồi.
Những năm tháng tuổi thơ của chúng tôi đã biết chờ đợi túi bỏng ngô, bỏng gạo trong đôi quang gánh nhà nghèo. Vị ngọt của đường, mùi thơm của gạo giòn rụm trên đầu lưỡi trẻ thơ. Cầm túi bỏng trên tay, tôi tuồn qua hàng rào cúc tần chia cho tụi bạn.
Lớn lên một chút, tôi hay ngồi sau xe theo mẹ đi nổ bỏng. Vài bát gạo trộn lẫn đỗ xanh, lạc nhân, thêm ít bột canh nếu thích vị mặn, hoặc ai hảo ngọt thì cho nhiều đường. Mẹ còn rắc thêm ít mì tôm vụn vì biết các con mình sẽ thích. Chao ôi cái vị bỏng vừa bùi vừa xốp ăn không biết chán. Nhất là những ngày mưa không thể ra đồng chăn trâu cắt cỏ, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa tí tách, nhai bỏng gạo và kể với nhau về tổ chim ri mới tìm thấy trên rừng.
Tôi vẫn nhớ quán nổ bỏng trên chân dốc đầu làng. Quán tuềnh toàng lợp bằng lá cọ, tường đất dựa lưng vào gốc đa. Cái máy nổ bỏng cũ kỹ đen nhẻm, luôn được cẩn thận lau chùi mỗi khi khởi động. Chủ quán là chú Vạn, tính xởi lởi từ thìa đường cho thêm đến những nắm bỏng chia cho lũ trẻ con thỉnh thoảng vẫn ghé lại xin.
Nổ bỏng tưởng dễ mà không dễ. Lượng đường cho phải vừa đủ, cho ít thì nhạt mà cho nhiều thì bỏng quắt lại không còn độ xốp. Người kéo ống thổi phải đều tay, bỏng ra đến đâu cắt đến đó. Tôi đợi đống ống thổi nóng hổi ấy nguội dần thì dồn vào tải, hí hửng nghĩ đến cảnh mấy anh em đang chờ đợi ở nhà. Mùi thơm của những chiếc ống thổi còn theo tôi vào tận giấc mơ.
Bây giờ về làng, cây đa không còn, quán nổ bỏng năm xưa cũng không còn nữa. Chú Vạn đã già, mở một quán tạp hóa ở ngã ba đầu làng bán đủ thứ muối mắm, xà phòng, sữa bỉm. Vui thay, khi tôi vẫn có thể tìm thấy trong đống hàng lộn xộn ấy thứ quà quê của tuổi ấu thơ. Những đứa trẻ trong làng thỉnh thoảng vẫn đạp xe ra quán để mua về những thanh bỏng gạo.
Tôi xa quê xuống phố từng mừng rơn khi bắt gặp máy nổ bỏng trên hè phố ở Hà Nội, Hải Phòng. Tôi dừng xe nán lại hồi tưởng quá khứ qua những chiếc ống thổi thơm lừng. Chỉ với mười ngàn đồng là mua được một túi bỏng làm quà cho chính mình trong buổi chiều phố xá quá ồn ào, tất bật.
Tôi biết có nhiều người như mình, treo túi bỏng lên xe và suốt chặng đường về miên man trôi theo dòng hồi ức. Nhớ về cánh đồng làng, đàn trâu già, những đứa bạn nối khố lớn lên cùng nhau từ bùn đất rơm rạ đồng chiều. Nhớ về người mẹ tảo tần, dù nghèo đến thế nào vẫn dành dụm cho con đồng quà tấm bánh. Nhớ về một buổi chiều nào đó ngồi sau xe mẹ đi nổ bỏng. Đâu ai ngờ mấy chục năm sau lại có thể gặp được quà quê giữa phố...