Nợ bảo hiểm xã hội - Phải xử lý hình sự

Chấp nhận phạt để nợ
Nợ bảo hiểm xã hội - Phải xử lý hình sự

Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa giải quyết vấn đề an sinh xã hội, vừa là quyền lợi trực tiếp của người lao động. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp thường xuyên nợ BHXH hay nói cách khác là chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đã đóng trong khi chế tài pháp luật chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Chấp nhận phạt để nợ

TPHCM có gần 40.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng BHXH với trên 1.615.500 người tham gia BHXH với tổng nguồn quỹ thực tế thu được 9.761 tỷ đồng. Thế nhưng, theo thống kê, TPHCM có trên 19.000 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 687.000 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng. Trong đó có đơn vị nợ BHXH lên đến 10 tỷ đồng và có những đơn vị nợ kéo dài nhiều năm vẫn chưa trả. Trong số đó, 205 doanh nghiệp có 10 lao động trở lên đang nợ gần 75 tỷ đồng tiền BHXH; doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên là 84 tỷ đồng.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục đóng BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM. Ảnh: HỒ VIỆT

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục đóng BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM. Ảnh: HỒ VIỆT

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện đóng BHXH hàng tháng đúng quy định. Lý giải nguyên nhân, ông Tiến cho rằng, do lãi suất quy định đối với doanh nghiệp nếu chậm đóng chỉ 10,5%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng trên thực tế mà doanh nghiệp phải đi vay có khi gấp đôi và đây chính là kẽ hở chiếm dụng tiền BHXH để làm vốn. Với một số doanh nghiệp khác, mặc dù nắm rõ trách nhiệm đối với người lao động nhưng vẫn cố tình né tránh để rồi “lách” luật bằng các hợp đồng thời vụ nhằm bớt đi một khoản đóng góp không nhỏ. Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạt lại quá nhẹ (với mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng) nên chưa đủ sức răn đe.

Trong năm 2010, BHXH đã phối hợp với ngành chức năng khởi kiện 150 doanh nghiệp ra tòa, thu hồi trên 11 tỷ đồng và hiện tại đang khởi kiện tiếp 130 doanh nghiệp. “Kiện thắng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là các đơn vị không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện quyết định, bản án của tòa án nên việc thi hành án bị bế tắc. Bởi vì trước khi gửi đơn yêu cầu thi hành án, phía BHXH cần phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đơn vị. Việc xác minh này vô cùng phức tạp vì không nhận được sự hợp tác trung thực của đơn vị đó. Khi có đơn yêu cầu, nếu cơ quan thi hành án tiến hành xác minh mà đơn vị không có điều kiện để thi hành án, đơn yêu cầu sẽ bị trả lại. Trường hợp có tài sản để thi hành án lại phải trải qua một loạt các thủ tục thẩm định giá, kê biên, thanh lý, phát mãi tài sản rồi mới trả nợ cho Quỹ BHXH. Quá trình này thường kéo dài, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đó là chưa nói đến khi thua kiện, chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì quyền lợi của người lao động gần như mất trắng…”, ông Tiến giãi bày.

Cần sớm bổ sung tội danh vào luật

Phân tích thực trạng nợ BHXH hiện nay, nhiều chuyên gia về lao động cho rằng chính kẽ hở của pháp luật, trong đó biện pháp chế tài xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH áp dụng ở mức thấp, cộng thêm thực tế lãi suất nợ BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm.

Thay vì phải đóng khoản tiền tham gia BHXH lên đến hàng trăm triệu đồng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vi phạm, chịu xử phạt hành chính ở mức cao nhất (30 triệu đồng) và trả lãi suất nợ BHXH. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, cần phải xử lý hình sự đối với các chủ sử dụng lao động nợ BHXH.

Trước hết cần phải xác định hành vi của doanh nghiệp nợ BHXH hiện nay thực chất là chiếm dụng tiền của người lao động và nghiêm trọng hơn là chiếm dụng tiền ngân sách. Nếu nhìn nhận việc không đóng, đóng chậm hay đóng thiếu BHXH như là một hình thức chiếm dụng vốn, rõ ràng ở đây chỉ có trốn hoặc chiếm đoạt chứ không thể coi đó là nợ BHXH và cũng không thể xem là quan hệ kinh tế hay dân sự thuần túy. Vì quan hệ vay - nợ là quan hệ có thỏa thuận, có người cho vay thì mới có người nợ.

Còn đối với BHXH, pháp luật đã quy định người sử dụng lao động chủ động trích 6% và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải đóng 16% tiền lương hàng tháng của người lao động cho BHXH. Do vậy có thể khẳng định người sử dụng lao động đã cố tình chiếm dụng vốn, bỏ qua các quyền lợi của người lao động để trục lợi chứ không thể gọi là nợ (vì người lao động không cho vay). Về phía cơ quan BHXH, cũng không có quyền cho doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động nợ BHXH (vì đó là quyền lợi của người lao động). Chính vì vậy, cần có quan niệm khác về nợ BHXH, cũng như có cái nhìn, thái độ nghiêm khắc hơn với hành vi không đóng BHXH.

Nhưng cái khó nhất trong việc xử lý hành vi trên là hiện trong Bộ luật Hình sự chưa quy định tội danh liên quan đến BHXH. Có ý kiến cho rằng đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công dân. Hành vi này hoàn toàn có thể được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục