Bắt đầu phiên tòa, bị cáo trình bày mình và người vợ Việt Nam được chính quyền Pakistan cấp giấy chứng nhận kết hôn từ năm 2014, nhưng chưa làm thủ tục công nhận tại Việt Nam. Do chưa hoàn thành chương trình đại học nên bị cáo không thể theo vợ về Việt Nam sinh sống. Duy trì hôn nhân, họ đi đi về về giữa 2 nước. Sau đó, người vợ muốn chia tay. Bị cáo về Việt Nam gặp vợ nói chuyện. Một bên quyết buông bỏ, một bên một mực níu kéo. Chuyện gì đến cũng sẽ đến…
Bị cáo bị gia đình vợ cấm cửa nên tự ý xông vào phòng tìm vợ. Nhiều người trong nhà xông ra ngăn cản. Có người cầm điện thoại quay phim thì bị cáo giật lấy, ném xuống đất. Không chỉ vậy, bị cáo còn đập phá nhiều đồ đạc trong nhà. Câu chuyện đến đây, chủ tọa phiên tòa chất vấn: “Theo bị cáo, hành vi đập phá như vậy có vi phạm pháp luật ở Việt Nam cũng như Pakistan không?”.
Bị cáo giãi bày: “Bị cáo hiểu không nên làm việc ấy. Lúc đó, bị cáo sốc vì không ngờ mình bị vợ và gia đình cô ấy đối xử tệ bạc. Dù thế nào, bị cáo vẫn yêu vợ, chấp nhận từ bỏ sự nghiệp và gia đình để sang Việt Nam chung sống với vợ”. Nói lời sau cùng, bị cáo vẫn khăng khăng đòi vãn hồi mối quan hệ. Tiếp lời, luật sư bào chữa mong tòa cân nhắc cho bị cáo cơ hội sửa sai. Ông cho rằng mối bất hòa trên xuất phát từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa.
Câu chuyện từ phía bị hại hoàn toàn không như vậy. Theo lời kể, bị cáo và người vợ có quan hệ tình cảm nhưng không kết hôn. Bị cáo hay ghen tuông vô cớ, kềm kẹp vợ. Qua thời gian chung sống, người vợ nhận ra hai bên quá khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tính cách nên quyết định buông bỏ tình cảm. Vậy mà, bị cáo cứ bám lấy không buông. Đỉnh điểm, bị cáo đe dọa sẽ gây hại sức khỏe, tính mạng khiến gia đình bị hại “ăn không ngon, ngủ không yên”. Nguy hiểm hơn, gia đình lo sợ bị cáo sẽ uy hiếp tính mạng 2 đứa con riêng của người vợ nhằm ép chị này nối lại tình xưa hoặc tống tiền. Vì vậy, gia đình bị hại đề nghị tòa ra quyết định trục xuất bị cáo.
Căn cứ cáo trạng, lời khai của các bên tại tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, đồng thời nhận định hành vi phạm tội chưa đến mức quá nghiêm trọng nên bác đề nghị trục xuất bị cáo của gia đình bị hại. Trong tình yêu, hôn nhân, đôi khi rào cản văn hóa, ngôn ngữ chính là ranh giới mong manh giữa hạnh phúc và sai lầm. Dù cho lúc ấy bị cáo vãn hồi thành công mối nhân duyên, nhưng nếu hai bên không cảm thông, hòa nhập với môi trường sống của đối phương, thì việc dẫn đến phiên tòa như vậy là kết quả khó tránh được.