Cơm không lành, canh chẳng ngọt
Những ngày đầu mới cưới, anh Tiến (chồng chị T.) vẫn hãnh diện với bạn bè bởi đã đánh bật cả chục “vệ tinh” để trở thành người sánh bước cùng chị. Từ niềm hãnh diện quá lớn đã biến anh Tiến thành con người ích kỷ và gia trưởng.
Lúc nào anh Tiến cũng sợ mất vợ, sợ thiên hạ nhòm ngó vợ mình, bởi vậy mà khi chị T. nghỉ thai sản, nhân cơ hội đó anh bắt vợ nghỉ việc để ở nhà chăm con, kinh tế gia đình một tay anh lo. Cũng từ đây, bất hạnh gõ cửa cuộc sống hôn nhân của anh chị.
Chị T. kể: “Tôi ở nhà cả ngày chăm con nhưng ảnh vẫn ghen tuông vô cớ, kiểm soát từng cử chỉ, hành động của tôi. Ảnh luôn tưởng tượng cảnh mỗi ngày anh đi làm còn tôi hẹn hò với những người từng theo đuổi mình để rồi tối về lại hạch hỏi, chất vấn vợ. Sống trong chính căn nhà của mình mà đến thở, tôi cũng không được thở mạnh”. Thế nhưng khi nói chuyện ly hôn, giải thoát cho bản thân, chị T. lại lưỡng lự vì thương con còn nhỏ dại.
Vợ chồng nào chẳng có lúc hục hặc, cơm không lành, canh không ngọt nhưng hục hặc kiểu vợ chồng gia đình anh P.D.H. và chị N.B.X. (ngụ tại một chung cư ở quận 2) lại là của hiếm. Anh H. và vợ cãi nhau như cơm bữa. “5 giờ sáng nhà đó đã to tiếng, tối đến lại gây nhau một chặp tới khuya. Ngày trước, mọi người còn can ngăn chứ giờ thì quen rồi, chả ai để ý”, bà Sáu Biểu, hàng xóm nhà anh H., cho biết.
Vợ chồng anh H. có sạp rau ven lộ, nghe đâu cũng đánh lộn mấy lần trước mặt khách hàng. Chính quyền địa phương phải xuống can ngăn nhưng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy. Anh chồng vũ phu có tật uống rượu vào là quên trời quên đất; còn tính chị vợ hay cằn nhằn. Tội nhất là tụi nhỏ, chứng kiến cảnh ba mẹ hục hặc, 2 đứa sống khép mình hơn.
“Hàng xóm cũng khuyên nhà đó ở với nhau thì ở coi sao cho được để con cái nó trông vô, không thì mỗi đứa một đường, sống vầy chỉ tội tụi nhỏ, luôn trong cảnh nơm nớp lo sợ. Khuyên vầy nhưng cả chục năm nay cứ thế. Bị đánh bầm mặt tím mày thì cô X. lại chạy sang hàng xóm bù lu bù loa, xong đâu lại vào đấy, chẳng thay đổi được”, chị Thùy An, hàng xóm gia đình anh H., cho biết.
Hy sinh hay ích kỷ
Trên mạng xã hội đang dậy sóng câu chuyện một phụ nữ ấp ủ kế hoạch ly hôn suốt 10 năm, chờ đến khi con thi xong đại học mới thực hiện. Trong 10 năm ấy, có khi nào người mẹ tìm hiểu xem con mình có thực sự hạnh phúc, hay cái hạnh phúc ấy là do chị tự vẽ ra, tự tưởng tượng rồi gồng lên để “diễn” trước mặt con trẻ?
Đã từng rơi vào hoàn cảnh ngỡ tưởng là hy sinh như người phụ nữ này, chị Nguyễn Thúy Hằng (ngụ quận 7) vẫn chưa hết rùng mình, bởi những thiệt thòi mình đã trải qua cũng vì ảo tưởng 2 từ “hy sinh”.
Trải qua cuộc hôn nhân 17 năm thì có tới 9 năm không hạnh phúc, gần 2 năm nay, chị Hằng mới tìm được bình yên cho cuộc sống của mình và cô con gái 16 tuổi.
Chị Hằng trải lòng: “Hôm đó, con gái tôi không xin tôi hãy ly hôn thì tôi cũng chưa nghiêm túc nhìn lại vấn đề. Tôi tưởng mình chịu thiệt, con sẽ hạnh phúc, không phải mắc cỡ với bạn bè vì gia đình tan vỡ… Nhưng tôi đã sai lầm, con trẻ chẳng thể hạnh phúc khi mái ấm gia đình đã lạnh, khi phải chứng kiến mối quan hệ của ba mẹ chúng chỉ toàn những cãi vã, nghi ngờ”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn ra cái ích kỷ của bản thân. Như chị X., dù hàng xóm hết lời khuyên nhủ, gia đình cũng không ít lần bật đèn xanh để chị về nhà ngoại nhưng vì thương con chưa trưởng thành nên chị X. chấp nhận cảnh cãi cọ hàng chục năm nay.
Chẳng rõ 2 đứa con chị có thấy hạnh phúc vì đủ đầy ba mẹ hay không, nhưng hàng ngày, hết giờ học là cậu con trai lớn 15 tuổi lại lang thang ngoài đường, hoặc “cắm chốt” ở tiệm game thay vì về nhà chứng kiến những cuộc cãi vã không có điểm dừng. Riêng đứa nhỏ, mỗi lần ba mẹ to tiếng lại sợ hãi núp vào góc nhà.
Không ít lần, chị X. chì chiết chồng, rằng nếu không vì con thì chị đã ra đi từ lâu. Cũng không ít lần, cậu con trai lớn của chị hét lên rằng đừng lôi anh em cậu vào để làm cái phao cứu vãn cuộc hôn nhân của ba mẹ, rằng càng sống với nhau thì đó càng là địa ngục của con cái, song chị X. vẫn cho đó là lời của đứa trẻ bồng bột, không hiểu được sự hy sinh của chị.
Bị trói buộc bởi 2 từ “hy sinh” vì con cái, phần nào đại diện cho suy nghĩ của nhiều phụ nữ. Song, xã hội cũng không thiếu những bài học chứng minh con trẻ sẽ phát triển lệch lạc về tính cách và nhận thức khi sống trong gia đình không hạnh phúc.
Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến sự bạo hành trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác, hay những đứa trẻ lớn lên không còn tin vào hôn nhân, thậm chí là hậu quả nặng nề đến mức chết chóc, tù tội… Thế nhưng, mấy người nghiêm túc suy ngẫm, liệu sự hy sinh ấy đó đáng, nhất là khi nó có thể để lại hậu quả đau khổ gấp nhiều lần?