Tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hàng chục hộ gia đình đang cố gắng gìn giữ nghề truyền thống, luôn nghiên cứu chế tác ra những sản phẩm bạc đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Vừa sản xuất vừa dạy nghề tại nhà theo kiểu truyền thống hàng chục năm qua, ông Tám Long, (xã Thuận Thành) cho biết, ông học nghề từ các bậc tiền bối và cũng sống với nghề hơn 30 năm qua. Thời gian qua, ông dạy nghề miễn phí cho nhiều thế hệ trẻ tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ gia đình, thậm chí có hộ phát triển và trở nên giàu có bởi thợ giỏi, khéo tay có thể thu nhập 2 – 3 chỉ vàng/tháng.
Để bắt kịp xu thế phát triển hiện đại, ông Tám Long phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị và học hỏi công nghệ để cho ra đời những sản phẩm tinh xảo hơn, tiết kiệm nhiều thời gian, tiền công cũng giảm theo…
Trải lòng về nghề, ông Tám Long chia sẻ, để cho ra đời một món trang sức bạc thì phải trải qua rất nhiều quy trình công phu, vừa làm thủ công vừa kết hợp với các loại máy chuyên dụng. Từ một thỏi bạc, người thợ phải tạo những món trang sức (nhẫn, bông tai, vòng hay dây chuyền)... qua nhiều công đoạn, người thợ phải thật cẩn thận, kiên trì, đặc biệt phải có đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, cần mẫn mới có thể tạo ra một sản phẩm đẹp mắt, có giá trị thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Gắn bó với nghề thợ bạc nhiều năm qua, tôi tự hào vì bản thân đã tạo ra những sản phẩm làm đẹp cho cuộc sống. Dù thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kim loại khác bắt mắt, giá thành rẻ, nhưng tôi tin sản phẩm của mình luôn bền đẹp theo thời gian. Nhà tôi luôn mở cửa chào đón học viên mới vào học nghề miễn phí, đồng thời tạo việc làm cho những người thợ non trẻ có thu nhập trang trải cuộc sống cho đến khi họ có thể tạo lập một cơ sở sản xuất riêng”, ông Tám Long nói.
Làng Bình Yên, (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang) là địa phương khá nổi tiếng với nghề kim hoàn. Mấy mươi năm sống với nghề chế tác nữ trang bằng vàng, ông Trần Văn Bên (56 tuổi, ngụ xã Tân Hương) ngày ngày nghiên cứu ra những sản phẩm nữ trang mới lạ để chào hàng cho các tiểu thương các tỉnh miền Tây, miền Đông và TPHCM.
Ông Bên chia sẻ, trước đây, nghề kim hoàn được xem là nghề ăn nên làm ra. Mỗi ngày gia đình ông chế tác, cung ứng hàng kg vàng thành phẩm cho các tỉnh thành lân cận, thu nhập từ 2-5 chỉ vàng. Các kiểu vòng ximen, dây chuyền mắt trúc, nhẫn vàng đính đá cẩm thạch được xem là những sản phẩm bán đắt như tôm tươi. Từ bà chủ ghe hàng, vợ ông chà lúa mướn, đến cô gái bán sầu riêng… ai ai cũng ráng tiết kiệm mua đeo.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, lớp trẻ đi thành phố học hành nên không có người nối nghiệp, cùng với đó trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm nữ trang vàng chế tác bằng máy tinh xảo, sáng lấp lánh. Ông cũng đầu tư một số thiết bị để đáp ứng yêu cầu mẫu mã mới của khách hàng nhằm duy trì và phát triển nghề.
“Nghề chế tác kim hoàn truyền thống đang dần được thay thế bằng máy móc và các thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, những sản phẩm kim hoàn thủ công thì vẫn không gì thay thế được. Chúng tôi đang cố gắng giữ nghề, gìn giữ những giá trị tinh hoa của cha ông để lại”, ông bên nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, làng Bình Yên được biết đến là nơi làm nghề kim hoàn lâu đời của tỉnh. Hiện, địa phương đang có kế hoạch khôi phục nghề kim hoàn truyền thống trăm năm tuổi này.
Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 500 thợ kim hoàn đang hoạt động, phần lớn làm việc cho các cơ sở vàng bạc đá quý lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại. Hàng năm cứ đến ngày 12 - 2 âm lịch là cánh thợ kim hoàn lại tề tựu về Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn (phường 3, TP Mỹ Tho) để tri ân tiền bối, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong nghề.