Trên khắp đất nước, biết bao người lính đã ngã xuống khi còn rất trẻ. Bấm thời gian, các anh đã nằm lại với rừng 50 năm, tròn nửa thế kỷ, gần bằng một đời người. Câu chuyện đó sẽ in trên tờ báo xuân.
Cuộc sống chảy mãi không ngừng. Lũ trẻ giờ đang hít thở một mùa xuân bình yên, nhiều người “đốt phần lớn thời gian” chỉ để làm những việc vô bổ. Thời gian bị thiêu đốt vì những bình luận, trả lời tin nhắn trên các trang mạng xã hội của hàng ngàn người bạn, rốt cuộc chẳng đọng lại gì. Rồi bọn trẻ thi nhau khóc, cười, dẫm đạp để xem mặt thần tượng ca nhạc đến từ một đất nước xa xôi, chỉ để giải cơn nghiện.
Chuyện của những người nằm xuống, có người nhớ, có người quên. Và nhà báo là những người lặn lội khắp nơi và đi rất xa để đào xới những cuộc đời, những câu chuyện đã cũ, nhưng tên tuổi được lịch sử khắc tạc. Trên mặt báo tết, tờ báo nào cũng không thể thiếu chuyện về những người đã hy sinh để giáo dục truyền thống, để tri ân, để tự hào là thế hệ cầm súng. Vậy đó, nhà báo là những người đi níu giữ bao mùa xuân cũ.
Ngày xuân của hiện tại, trên phố hoa nở, muôn người khoe áo mới. Vậy nhưng không thể thiếu những câu chuyện về mùa xuân cũ. Xuân Mậu Thân năm 1968, cả đất nước bùng nổ vì trong tiếng pháo là những tràng súng AK, rồi bao người lần lượt vào thành phố không còn quay về. Mùa xuân của những ngày đầu giải phóng sau năm 1975, đất nước còn bộn bề khó khăn, nhưng mọi nhà vẫn vui, sum họp và quây quần.
Rồi mùa xuân của những năm bao cấp nối dài, dòng người xếp hàng trước cửa hàng bách hóa tổng hợp để mua đường, mua đậu. Lũ trẻ mặc áo cụt tay, đi chân đất, đầu không mũ, lao về phía tiếng nổ đì đùng để nhặt pháo lép. Xóm làng rộn rã âm thanh của ngày tết. Đó là tiếng búa đóng bánh nổ chát chát; tiếng xạch xạch của cả xóm đánh trứng trong nồi để đổ bánh trái tim; tiếng dội xuống bàn ầm ầm của những gia đình nhồi bột bánh bó.
Câu chuyện của tết… giờ đã nhạt phai ít nhiều. Nông thôn giờ nhang nhác giống phố. Phố đến tận mọi miền. Quê không còn nhiều hình ảnh tết mộc mạc một thời. Vậy nên nhà báo cứ phải đi thật nhiều để tìm lại chuyện những mùa xuân cũ. Mùa xuân mà mỗi gia đình cùng hùn tiền mổ một con heo, khoe nhau nghệ thuật đổ bánh nở toe, làm mứt trắng mịn… Thời cuộc sống gian khó, nhưng tình người ấm nồng.
Năm 2005, báo xuân không thể thiếu câu chuyện về nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã viết lên huyền thoại về thế hệ thanh niên Việt Nam 40 năm về trước. Năm 2010, tròn 35 giải phóng đất nước, báo xuân không thể thiếu những nhân vật đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Năm 2013, báo xuân đi ngược thời gian 100 năm trước để viết về cuộc đời và sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 2018, báo xuân đề cập câu chuyện thời 4.0 rồi vị thế của đất nước.
Nhà báo là thư ký của thời đại. Nhưng có lẽ, nhà báo còn là những người hoài niệm, tiếc nuối và níu giữ những mùa xuân cũ, bao câu chuyện đẹp theo thời gian dần nhuốm màu như làn tóc mẹ, như bóng mây trắng vùn vụt trôi qua cuộc đời này.