Níu giữ miếng trầu - quả cau

“Thật đáng tiếc với những cụ già khi đã sống cùng trầu cau cả nửa đời người, rồi bỗng một sáng thức dậy, họ cảm giác xung quanh không có ai lắng nghe và hiểu mình nữa, bởi văn hóa trầu cau đang dần bị lãng quên, mai một”, Vũ Nguyễn Hồng Loan, người sáng lập dự án “Làng Yên: Hướng về văn hóa Việt Nam”, chia sẻ.
 Các bạn trẻ lắng nghe chia sẻ về văn hóa trầu cau từ lớp người đi trước
Các bạn trẻ lắng nghe chia sẻ về văn hóa trầu cau từ lớp người đi trước

Chương trình văn hóa “Miếng trầu là đầu câu chuyện” thuộc chuỗi dự án “Làng Yên: Hướng về văn hóa Việt Nam”, diễn ra tại không gian Chợ quê giữa lòng TPHCM (số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ. Ở đây, các bạn đã được tìm hiểu sâu hơn từ nguồn gốc, những tích trầu cho tới học cách têm trầu truyền thống từ người sáng lập dự án. 

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu tuy nhỏ bé và không có giá trị cao về kinh tế nhưng trong đó chứa đựng nhiều ý nghĩa tình cảm, tập quán, thói quen sinh hoạt rất riêng của nước ta, vùng nào cũng có, giàu nghèo ai cũng có thể ăn. Miếng trầu là lời chào đầu, miếng trầu thể hiện cho tình yêu lứa đôi và trầu cau là biểu tượng cho sự tôn kính trong các dịp lễ tế thần, lễ cưới… 

Những năm gần đây, tục ăn trầu đang dần bị mai một trong đời sống hàng ngày. Thói quen ăn trầu hầu như chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội và trong các nghi lễ truyền thống.

“Thế hệ 8x, 9x của chúng ta đang dần thay thế những thế hệ đi trước để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đất nước. Là người thuộc thế hệ 9x, tôi cảm nhận những nét văn hóa Việt Nam có trong ký ức của mỗi bạn trẻ nhưng không có nhiều cơ hội để các bạn ấy có thể cảm được điều đó. Từ đó, tôi mở đầu chuỗi dự án “Làng Yên: Hướng về văn hóa Việt Nam” bằng câu chuyện về trầu cau”, Hồng Loan chia sẻ.

Hồng Loan cho biết thêm: “Nhắc tới trầu cau, người ta sẽ thường nghĩ ngay tới hình ảnh những mâm lễ cưới hỏi truyền thống của đất Việt, nghĩ ngay tới hình ảnh những cụ già, đó có thể chính là những người bà của mỗi người bên miếng trầu buổi sáng sớm, là tiềm thức khắc sâu vào mỗi con người. Khi tôi thấy hình ảnh những bà cụ ngày nay còn ngồi đâu đó ngoài góc chợ, bên hiên nhà, đang bỏm bẻm nhai trầu, tôi thấy nghẹn ngào, bởi văn hóa trầu cau đang dần bị lãng quên, mai một”.

Trong khuôn khổ chương trình, các bạn trẻ có mặt tại chợ quê được học hỏi, tự tay têm trầu cánh phượng, trầu truyền thống và trải nghiệm ăn trầu cau. Với người quen ăn trầu, món ăn này cho người ta cảm giác hơi say say, từ đó câu chuyện tâm tình trở nên cởi mở. Với người không biết ăn trầu nhưng yêu thích nét văn hóa này, chỉ cần được chiêm ngưỡng những vật dụng liên quan đến tục ăn trầu còn lưu lại đến ngày nay, họ lại càng thêm yêu quý, trân trọng một nét văn hóa bình dị này.

Nguyễn Thùy Dương (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tự tay têm trầu cánh phượng và trải nghiệm ăn thử trầu cau. Cảm giác rất thích thú và tôi đã hiểu vì sao ngoại mình lại thích ăn trầu cau tới vậy”.

Rõ ràng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, rất nhiều giá trị văn hóa dần bị lãng quên, dành chỗ cho những thứ hiện đại, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, miếng trầu - quả cau vẫn là một phong tục bình dị đẹp đẽ cần lưu giữ. Và những dự án như “Miếng trầu là đầu câu chuyện” của những người trẻ lập nên hướng về người trẻ là rất ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục