Ninh Thuận xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai

Chiều 18-10, tại TP Biên Hòa, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Đồng Nai.

Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Đồng Nai. Clip: VĂN PHONG

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành 2 tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp và khoảng 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên - là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 87,7 triệu đồng/năm và năm 2023, Ninh Thuận xếp 11/66 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh.

_MG_7454.JPG
Một tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: VĂN PHONG

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh có tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 20.662 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng và thu ngân sách Nhà nước đạt 3.540 tỷ đồng.

Hiện Quy hoạch của Ninh Thuận thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1319/QĐ- TTg ngày 10-11-2023, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng, phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam.

_MG_7486.JPG
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN PHONG

Đồng Nai có thế mạnh về phát triển các khu công nghiệp và Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2026; thì tỉnh Ninh Thuận lại có thế mạnh về phát triển văn hóa.

Ninh Thuận là nơi sinh sống tập trung cộng đồng người Chăm nhiều nhất cả nước, có nhiều công trình văn hóa, các di tích lịch sử đang được bảo tồn, nhiều lễ hội văn hóa đặc thù của dân tộc Chăm được gìn giữ, trong đó, Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á.

Ninh Thuận là một trong số ít tỉnh ở Việt Nam có 2 vườn quốc gia, trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (1 trong 9 Di sản thiên nhiên của thế giới), Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh Quốc gia - 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Tỉnh Đồng Nai xác định muốn phát triển nhanh, bền vững cần nghiên cứu đầu tư, mở rộng thêm vào các địa phương lân cận và đây chính là cơ hội để phát triển cho chính doanh nghiệp mình, vừa góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Đồng Nai và Ninh Thuận.

_MG_7518.JPG
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu đáp từ. Ảnh: VĂN PHONG

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho rằng, hội nghị là cơ hội để tỉnh Ninh Thuận giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, chính sách, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, với những điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên, cơ sở hạ tầng, cùng với sự phát triển về văn hóa, du lịch, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư không chỉ đến từ Đồng Nai mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả các tập đoàn lớn trên thế giới", ông Trần Quốc Nam nói.

Dịp này, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư vào 55 dự án thuộc các lĩnh vực thương mại – dịch vụ; xây dựng và kinh doanh bất động sản; năng lượng, năng lượng tái tạo; công nghệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục