Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú, tránh bão an toàn, không đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, bão; hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Riêng các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên được kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi áp thấp nhiệt đới, dự báo mạnh lên thành bão đổ bộ trực tiếp.
Trước đó, ngày 25-10, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, nhằm chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão, mưa, lũ, ngập lụt, nhất là hiện các hồ thủy lợi, thủy điện đang tăng lưu lượng xả qua tràn.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát các phương án phòng, chống thiên tai của địa phương để chủ động triển khai các phương án sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, nhất là người ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển,...
Đến tối 25-10, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về áp thấp nhiệt đới trên hệ thống trực canh của đơn vị. Đồng thời, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện nếu có sự cố xảy ra.
Đến 17 giờ chiều 25-10, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.373 chiếc/13.768 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 678 chiếc/5.364 lao động.
Chiều cùng ngày, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương triển khai phương án ứng phó ATNĐ. Các lực lượng tại chỗ trực chiến 24/24 để kịp thời phản ứng, giúp người dân và khắc phục hậu quả trước các tình huống xấu xảy ra. Toàn tỉnh có hơn 2.800 bè nuôi trồng thủy sản với trên 113.560 lồng, cùng hàng ngàn lao động trên biển. Từ ngày 25-10, Khánh Hòa đã cấm biển, đồng thời kiểm tra, yêu cầu người dân chằng néo các lồng bè để tránh thiệt hại, rồi đưa người dân từ lồng bè lên bờ trước 6 giờ ngày 26-10. Hơn 330 tàu cá, với gần 2.000 thuyền viên của tỉnh đang hoạt động ở các vùng biển Trường Sa, tỉnh Kiên Giang, và các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận… đã nhận được thông báo về tình hình áp thấp nhiệt đới và hướng dẫn ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Phú Yên cũng phát thông báo đến các vùng dân cư xung yếu, khu nuôi trồng thủy hải sản Vũng Rô (thị xã Đông Hòa), vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) và khu vực nuôi tôm ven biển Tuy An cần đề cao cảnh giác, ứng phó ATNĐ. Tại làng biển Hòa An (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu), sáng 26-10, người dân đã huy động rọ sắt, bao cát, bê tông, chèn chống lại nhà cửa khu vực ven biển để ứng phó với triều cường. |