Hạn đến sớm
Theo ghi nhận, hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) có dung tích thiết kế 800.000m³ cung cấp nước sản xuất cho hơn 200ha trồng nho, hành, tỏi tại Ninh Thuận đã trơ đáy từ nhiều tháng nay. Người dân cho biết, do 2 năm nay lượng mưa rất ít khiến hồ luôn trong tình trạng thiếu nước. Để cứu cây trồng, nhiều hộ đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng lấy nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khoan trúng mạch nước ngầm.
Anh Nguyễn Hoài Nam (trú xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, dù đã khoan trúng mạch nước ngầm để chống hạn, nhưng nước cũng nhỏ giọt, không đủ tưới đại trà.
“Hạn năm nay đến sớm làm cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn nước tưới ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào hồ Ông Kinh. Thiếu nước tưới, gia đình tôi chi gần 70 triệu đồng để khoan giếng nhưng chỉ đủ tưới cầm chừng”, anh Nam chia sẻ.
Huyện Ninh Hải có thế mạnh về hoa màu, đây cũng là nguồn thu chính của rất nhiều bà con xứ nóng Ninh Thuận. Hiện nay, để có nước tưới cứu cây hành, tỏi, ớt, một số bà con đành phải mua nước từ ngoài làng chở vô với chi phí rất cao.
Ông Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho hay, chưa năm nào người dân đón Tết Nguyên đán xong phải lo đối mặt với tình hình thiếu nước sản xuất như năm nay. Để ứng phó với hạn hán, tỉnh xây dựng đường ống dẫn nước hơn 11km đi qua nhiều khu vực hạn nặng. Tuy nhiên, do thiếu nước đầu nguồn nên không thể bơm nước về khu vực hạ lưu. Trong thời gian tới, nếu không có mưa sẽ rất khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân tại khu vực hồ chứa có dung tích nhỏ, ít nước.
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện Ninh Hải đã khẩn trương chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã tập trung ứng cứu các loại cây trồng đang sản xuất, các loại cây nông nghiệp chủ lực, tuyên truyền bà con khai thác nước ngầm hợp lý. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung gieo trồng những cây trồng cạn ngắn ngày, cây chịu hạn, ít sử dụng nước kết hợp sử dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm…
Hàng ngàn hécta ngưng sản xuất
Không chỉ có huyện Ninh Hải, hiện nay tại một số khu vực của huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc của tỉnh Ninh Thuận, tình trạng thiếu nước sản xuất cũng đang diễn ra ngày càng gay gắt. Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, cho biết, dù chỉ mới bước vào thời điểm đầu mùa khô nhưng lượng nước tích trữ các hồ thủy lợi đang dần cạn kiệt. Do đó, tỉnh đã phải khuyến cáo người dân dùng nước phải tiết kiệm tối đa. Lượng nước khan hiếm khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, ước tính trong vụ đông xuân 2019-2020 toàn tỉnh có khoảng 7.500ha đất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản phải dừng sản xuất do thiếu nước.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến thời điểm này, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh ở mức 73,55 triệu m³, chiếm 37,8% tổng dung tích thiết kế. Hồ Đơn Dương nước ở cao trình tương đương dung tích 131,40 triệu m3, đạt 79,6% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 20,6%). Dù ngay từ đầu vụ đông xuân 2019-2020, công ty đã chủ động điều tiết nước luân phiên giữa các đập dâng, vận hành 2 cống xả cát tại đập Sông Pha, giảm độ mở của các cống lấy nước kênh Tây, kênh Đông và kênh Nam để ưu tiên cấp nước cho kênh Bắc và kênh Tấn Tài, Tân Hội. Tuy nhiên, do lượng nước phát điện của Đa Nhim (đập cung cấp nước chính cho nông nghiệp Ninh Thuận) thấp hơn nhu cầu hạ du rất nhiều, khiến nhiều kênh mương thiếu nước cục bộ ngày đầu mùa.
Để giải quyết vấn đề trên, từ ngày 22-1, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã mở 2 cửa xả tràn hồ Sông Sắt để tăng cường điều tiết nước, bổ sung 2,22 triệu m3 nước cho hệ thống kênh hạ du. Tuy nhiên, khó khăn nhất là theo kế hoạch, trong thời gian tới, Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ tiếp tục phát điện thấp hơn nhu cầu ở hạ du thì tình hình hạn hán sẽ xảy ra rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân, nhất là 350ha lúa đã gieo trồng.
Trước tình hình hạn hán diễn biến xấu, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cuộc họp bàn, chỉ đạo rốt ráo công tác chống hạn địa phương. Theo ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận tập trung bám sát, xây dựng phương án chi tiết, cụ thể để có kế hoạch điều tiết nước phù hợp. Đặc biệt, tập trung ưu tiên nước đảm bảo sinh hoạt cho người dân, nước uống cho đàn gia súc, lượng nước tưới xuyên suốt cho vụ đông xuân. Đối với hệ thống kênh chính dẫn nước, yêu cầu các ngành phải khắc phục ngay những tồn tại, đảm bảo hệ thống kênh phải dẫn được nước về hạ lưu.
“Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục theo dõi sát sao các dự báo về thời tiết nắng hạn để kịp thời xây dựng các kế hoạch ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng đang phát triển ổn định, cho giá trị kinh tế cao”, ông Nam thông tin.