Lần này thì khác, có hy vọng rồi. Nghe mẹ kêu nhà nó chuẩn bị làm heo ăn Tết. À, không, chính xác là nhà nó với nhà bác Ba, chú Sáu, chú Tám, cô Bảy… cộng dồn đâu mươi nhà, xúm hùn làm heo ăn Tết. Năm nay vậy là sang lắm, chớ mấy năm trước mẹ toàn đi mua thịt chợ. Mua vài ba ký, cũng gọi là có Tết với người ta…, mẹ nói.
Tết gì! Nhà nó nhân khẩu đông đen, vài ba ký thịt ăn chưa qua mồng hai Tết đã sạch bách. Lũ nhỏ tới bữa cơm nhao nhao lục cũi hỏi thịt. Mẹ la: Thịt đâu nữa mà thịt, có thịt… tao đây nè!!! Năm nay trời thương được mùa bội thu. Còn mấy đám thổ (đất cát pha) trồng bắp, đậu, khoai cuối năm thu dồn cũng trúng đậm. Vậy nên ba mẹ mới “to gan” rủ mấy chú cô hùn làm heo ăn Tết. Con heo nặng hơn tạ, làm xong chia mỗi nhà ít ra cũng được 7-8 ký cộng dồn cả lòng ruột thịt xương. So với số thịt chợ bèo nhèo mọi năm, nay vậy là “hoành tráng” lắm.
Nói tới chuyện làm heo, lũ nhỏ như nó còn sướng thêm một chuyện: ấy là “trúng” thêm mấy món “đặc sản” chỉ lúc nhà làm heo mới có. Con Thơ em út lên tiếng xí phần cái đuôi heo luộc. Anh Ba “đăng ký” cái tai. Tai hay đuôi heo luộc xắt nhỏ chấm mắm ăn giòn sừn sựt đều rất ngon. Vậy nhưng với nó, đích quan trọng số một không phải là chuyện ăn. Nó đang âm thầm nhắm nhe cái khác… Thằng Năm, mày muốn cái gì, lưỡi hay tai? Chú Sáu lãnh phần “tay dao tay thớt” trong cuộc làm heo chung cười hiền, hỏi. Dạ không, phần cháu cái… cái… bong bóng! Nó lật đật.
2. Ai cũng ngạc nhiên, còn phá lên cười khi nghe nó thật thà khai ra ý muốn. Chỉ có mẹ không cười. Là tại mẹ biết ý nó. Nghe nhà sắp làm heo, nó đã lèo nhèo nhỏ to theo “đặt hàng” với mẹ từ sớm. Ban đầu mẹ cương quyết không đồng ý. Chơi bời gì, bong bóng luộc, xắt chấm mắm ăn hơi dai chút nhưng cực kỳ ngon. Với mẹ, cái có thể ăn mà không chịu để ăn đã là sự “phá của”, lãng phí gớm ghê, huống chi đây lại là món ăn ngon như bong bóng! Yên đấy; rồi mẹ sẽ rửa sạch, luộc xắt riêng cho mày một dĩa…. Trời đất! đã bảo nó thèm chơi chớ đâu phải thèm ăn? Trái bóng làm từ bong bóng heo từ lâu là niềm khao khát của nó. Sở hữu một cái bong bóng heo thổi căng tròn, phơi khô để mà tâng chơi ba bữa Tết là niềm hạnh phúc quá tay. Cả xóm, chỉ mình thằng Cung con ông thợ mổ heo là hay có bong bóng heo để chơi. Mà nó xấu tính lắm, chỉ biết chơi một mình, đâu cho đứa nào chơi chung, chảnh bắt ghét! Nó đứng phụng phịu, mũi xì bong bóng, nước mắt giọt ngắn giọt dài. Ba đi ngang trông thấy lại rờ đầu hỏi chuyện gì. Đột ngột, nó bật khóc rè khiến ba đâm hoảng. Nghe mẹ “tường trình” xong, ba cười ngất. Được rồi, ông tướng; nín đi rồi ba cho… Lời hứa của ba quả có sức nặng ngàn cân, thắng két ngay tràng những tiếng hức hức!
3. Bong bóng bơm căng, cột dây phơi lủng lẳng ngoài trời trông rất ấn tượng. Cuối năm nắng tốt, bóng phơi nguyên ngày là khô, cầm lên trơn lụi, thơm phức mùi thịt tươi ăn nắng. Chơi được rồi. Nó ôm trái bóng quý ra sân tung lên, thử tâng vài phát. Bóng tâng tưng tửng đã tay, không nhẹ tênh như bóng cao su, nhưng cũng không đụi đụi chán òm, đánh muốn lọi tay như thứ bóng làm bằng trái bưởi non ngoài quấn thêm giẻ rách!
Mẹ hăm he: Chơi sao liệu giữ mà chơi. Chưa hết Tết đã bị nổ thì đừng có khóc… Mẹ lo xa quá; bóng heo dai mình lại chịu nắng, đâu phải như bóng cao su mà sợ nổ? Tự tin, nó ôm bóng chạy thẳng một lèo ra sân phơi, hú hí lũ bạn “chiến hữu”… Đã đời suốt cả buổi chiều với trò chơi chia phe tâng bóng. Vài đứa bạn nhà làm heo Tết sớm cũng có bóng, nhưng không trái bóng nào so nổi với trái bóng “vua” của nó. Hết đứa này tới đứa khác sấn lại trầm trồ, rờ mó. Nó hãnh diện cho mỗi đứa được thử tâng trái bóng quý vài lần trước khi lật đật thu hồi do sực nhớ cái lệnh “liệu giữ mà chơi”. Không sao; bóng vẫn còn căng nguyên; chỉ hơi rạn da tí xíu mặt ngoài do tâng nhiều quá…
4. Ngó chừng mãi, trông cho thằng Cung đáng ghét xuất hiện mà sao không thấy. Mọi hôm, hễ cả đám tụ tập là không ai mời nó cũng đánh hơi lù lù mò ra. Đừng nói nó biết bóng mình “em bé” nên quê độ, trốn mất rồi nha. Tưởng tượng cảnh thằng Cung mặt nặng trịch như cái bánh bao chiều khi nhìn thấy trái bóng “vua”, nó khoái chí bật cười thành tiếng…
- Cười gì? Tưởng mày có trái bóng to mà ngon na (à)? Dám thi với bóng tao không? Nó giật nảy mình. Trời đất, là thằng Cung. Nó lẳng lặng ra hồi nào không ai hay, đang đứng sau lưng cười nửa miệng.
- Thi gì? - Thì thi… tung bóng. Đích đằng kia - Cung chỉ tay về phía hàng rào tre xanh - đứa nào tung xa hơn hay tới hàng rào trước là thắng. Nó chần chừ. Môn chơi này coi hơi mạo hiểm với trái bóng quý. Cự ly tung bóng xa, lại còn cây cối rậm ri ai biết bóng bay, rớt trúng chỗ nào? Trái bóng mơ ước được sở hữu lần đầu tiên. Phải giữ mà chơi cho trọn cái Tết. Mẹ đã dặn… - Sao? Sợ à? Giọng thằng Cung khiêu khích. Máu nóng bốc lên, nó không kịp nghĩ nhiều hơn, hất mạnh đầu, bước tới: - Chơi thì chơi. Ai nói mày tao sợ?
- Được; bắt đầu nè! Thằng Cung vung tay, ném bóng trước về phía hàng rào, còn ngạo nghễ bồi thêm: Mày mà thắng, tao… cho mày luôn trái bóng! Là mày nói đấy nhé, nó cười thầm trong bụng rồi lấy sức vung tay. Trái bóng nó nặng, lý ra sẽ bay xa hơn nhưng do bóng to nên sức cản không khí lớn, ném hết sức cũng chỉ tà tà bay rồi rớt… ngang mức bóng thằng Cung ném trước! Ném tới lần thứ ba vẫn bất phân thắng bại. Cứ thi kiểu này coi bộ không ăn; cái đầu láu cá của nó chợt nghĩ ra một cách. Hay thật. Chơi cách này thì… Cung ơi, mày thua chắc! Tới lượt, thay vì cầm tay ném nó đột ngột tung bóng lên cao, phóng người vung tay… đập một phát hết lực! Cú đập lỡ trớn; bóng bay vụt thẳng tới hàng rào tre, chui tọt giữa rào, bị gai đâm xẹp lép! Thằng Cung phá lên cười hô hố rất đểu, ném luôn cho nó trái bóng “em bé” cũng đã thủng lỗ xì hơi tự lúc nào rồi bỏ đi. Lũ bạn còn lại xúm quanh, nhìn trái bóng “vua” giờ nhăn nhúm thảm thương, nhìn thằng bạn nước mắt nước mũi chàm ngoàm mà cũng… muốn khóc theo.
Quả lừa quá đau. Cũng tại nó hiếu thắng nên mới mắc mưu. Cứ tưởng thằng Cung cũng quý trái “bóng heo”; nhưng nghĩ lại nhà nó chuyên mổ heo, kiếm trái bóng khác đâu có khó! Mẹ ra đồng về. Mẹ chứng kiến cảnh ông con cưng ngồi bí xị ôm trái bóng rách trước hiên nhà, mặt cũng nhàu nhĩ tựa trái bóng. Dòm qua là hiểu ngay cớ sự. Mẹ chép miệng lắc đầu, lẩm bẩm: Nói mà không nghe; để đem luộc chấm mắm có phải khỏi mất toi cái bong bóng rồi không…
5. Ba mươi Tết. Mẹ đi chợ cuối năm. Về chưa kịp soạn đồ đã bỏ vội gánh quang, tất tả bươn sang hàng xóm. Nhà chú Sáu Rảnh bữa nay làm heo Tết muộn. Chừng ăn xong bữa cơm mới thấy mẹ về, trên tay cầm lủng lẳng cái bong bóng heo còn tươi…