Niềm vui từ những ngôi trường mới

Năm học 2024-2025 là năm học mang tính bản lề hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng của các đề án, chương trình giáo dục trên địa bàn TPHCM. Để tạo sức bật cho năm học mới, TP Thủ Đức và21 quận huyện đã tăng mạnh quy mô trường lớp, qua đó giảm áp lực sĩ số học sinh/lớp và nâng cao chất lượng giáo dục cho người dân.

Mong mỏi của nhiều gia đình

Là công trình xây dựng có vốn đầu tư lớn nhất trong số 7 công trình trường học mới đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025 của quận Bình Tân, Trường THCS Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B) khánh thành và khai giảng năm học mới trong niềm vui to lớn của phụ huynh, học sinh.

Trước đó, phường Bình Trị Đông B chưa có trường THCS, học sinh các khối 6, 7, 8, 9 phải học trên địa bàn các phường lân cận.

i4c.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 12, TPHCM) trong niềm vui chào đón năm học mới

Em Trần Nam Khánh - một trong số 648 học sinh khối 6, cũng là khối lớp duy nhất của Trường THCS Bình Trị Đông B trong năm học này, bày tỏ sự phấn khởi khi được học tại ngôi trường mới khang trang: “Khuôn viên trường quá rộng, phòng học được trang bị nhiều thiết bị hiện đại nên em và các bạn thích mê. Em đang rất háo hức bước vào năm học mới”.

Năm học 2024-2025, Trường THCS Bình Trị Đông B định hướng phát triển theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, năm học này, địa phương đưa thêm vào hoạt động 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS. Đây là năm học quận Bình Tân có số lượng phòng học tăng thêm nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việc tăng thêm phòng học giúp các trường giảm sĩ số học sinh/lớp, đồng thời tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Tương tự, tại quận 6, công trình xây dựng mới Trường THCS Nguyễn Thái Bình (phường 10) có tổng vốn đầu tư gần 162 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động, trường có quy mô 40 phòng học và các phòng chức năng, sân bóng, nhà thi đấu đa năng…

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6, cho hay, trong năm học đầu tiên, sau khánh thành, trường tiếp nhận học sinh các khối 6, 7, 8. Trong đó, học sinh khối 7, 8 được điều chuyển từ các trường ở địa bàn lân cận để đảm bảo tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày, sĩ số không quá 45 học sinh/lớp.

Riêng ở quận 12 - địa phương có tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thấp nhất thành phố trong năm học trước, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thới An) vừa khánh thành trong niềm vui hân hoan của hàng trăm phụ huynh, học sinh. C

hị Minh Hương, phụ huynh có con năm nay học lớp 2, chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân nên mong muốn con được học bán trú cả ngày ở trường. Trước đây, phường Thới An chỉ có 1 trường tiểu học công lập nên ước mơ con được học bán trú rất xa vời với phụ huynh. Năm nay, mơ ước đã thành sự thực, nhiều bố mẹ có thể yên tâm đi làm rồi”.

Phấn đấu chuẩn tiên tiến, hội nhập

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2024-2025, toàn thành phố tăng thêm 24.097 học sinh so với năm học trước. Tính đến ngày 5-9, đã có 18 dự án trường học mới đưa vào hoạt động với tổng quy mô 413 phòng.

Từ đây đến cuối tháng 12-2024, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện dự kiến đưa vào hoạt động 5 công trình trường học mới với tổng quy mô 63 phòng. Như vậy, trong năm học này, gần 500 phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng, góp phần giảm áp lực về chỗ học, đồng thời tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, trong năm học 2025-2026, ngành giáo dục thành phố đặt mục tiêu có thêm 4.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Để hoàn thành Đề án xây dựng 4.500 phòng học, thành phố đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về quỹ đất, tăng cường đầu tư công kết hợp với kêu gọi xã hội hóa.

Đây là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm tăng quy mô, mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân.

Bên cạnh đẩy mạnh quy mô trường lớp, ngành giáo dục TPHCM cũng phấn đấu nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, trường theo mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Kiệt, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, hàng năm, tổng số học sinh tăng thêm ở địa phương xấp xỉ 1.000 học sinh. Lộ trình xây dựng trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế được Phòng GD-ĐT xây dựng trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn còn… thiếu nợ.

Nguyên nhân là do, muốn xây dựng 1 trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập thì trên địa bàn phường đó phải có ít nhất 2 trường công lập ở cùng cấp học để các trường còn lại “gánh” sĩ số cho trường tiên tiến, với yêu cầu không quá 35 học sinh/lớp. Vì vậy, địa phương cần từ 2-3 năm để điều tiết công tác tuyển sinh trước khi thực hiện lộ trình xây dựng trường theo mô hình tiên tiến.

Trong bối cảnh dân số cơ học không ngừng tăng cao, đây là thử thách không nhỏ đặt ra cho các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục