Niềm vui từ những ngôi trường mới

Hơn 1,7 triệu học sinh (HS) của TPHCM sắp bước vào năm học mới 2023-2024. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, hàng chục ngôi trường mới khang trang, tích hợp trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại… đã kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học này.
Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những ngôi trường trăm tỷ

Với tổng mức đầu tư gần 132 tỷ đồng, Trường Tiểu học Rạch Già (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) đã nên hình nên dáng, khang trang, hiện đại. Trường được khởi công xây mới ngày 3-10-2022 trên diện tích hơn 11.000m2, quy mô 1 trệt 2 lầu, gồm 3 khối phòng học (36 phòng học và đầy đủ phòng chức năng), hội trường rộng hơn 300m2, thư viện tích hợp số, nhà ăn bán trú…

“Gần 740 HS sắp được học tập dưới mái trường mới. Niềm vui lan tỏa từ các thầy cô đến HS, phụ huynh”, cô Nguyễn Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng nói.

Người dân, phụ huynh trên địa bàn ấp 4, 5 và 6 của xã Hưng Long đang từng giờ, từng phút trông chờ con em mình được vào học ngôi trường mới. Không chỉ vậy, bà Võ Thị Hồng Diễm, Chủ tịch UBND xã Hưng Long, còn đặt mục tiêu cao hơn: phấn đấu đưa trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố cho xứng với truyền thống của vùng đất cách mạng Rạch Già - Hưng Long, năm xưa từng bị bom cày đạn xới, nay đã chuyển mình toàn diện, phát triển đi lên.

“Xã sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trường phát triển, con em xã nhà có môi trường học tập tốt, xứng đáng với danh hiệu cao quý - xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, bà Hồng Diễm chia sẻ.

Cùng với Trường Tiểu học Rạch Già, Trường THCS Trung Sơn, Trường Mầm non Bình Hưng, Trường Tiểu học Tân Túc (huyện Bình Chánh) được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng cũng kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024.

Tương tự, khó có thể diễn tả hết niềm vui của thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) khi không còn phải đi “học nhờ” ở 2 trường THCS khác, bởi năm học này đã có ngôi trường mới. Hơn 2.000 HS của trường đang nóng lòng được khai giảng năm học mới trong ngôi trường khang trang. Nói như cô Phạm Thị Hồng Dung, Hiệu trưởng nhà trường, bước vào ngôi trường mơ ước với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cả thầy và trò đều cảm thấy tinh thần phấn khích, tự hứa phải dạy tốt, học tốt.

Trường THCS Ngô Quyền được xây mới trên nền đất cũ với diện tích gần 3.200m2, gồm 1 tầng hầm, 4 tầng lầu (37 phòng học và các phòng chức năng), thư viện tích hợp theo hướng thư viện thông minh với hệ thống máy tính hiện đại để HS tra cứu học liệu… Tổng mức đầu tư xây dựng trên 80 tỷ đồng.

“Để phát huy hết công năng, thiết bị của ngôi trường mới, dịp hè, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thầy cô giáo làm chủ trang thiết bị hiện đại trong từng lớp học, ứng dụng hiệu quả trong từng tiết dạy”, cô Phạm Thị Hồng Dung cho biết.

Qua ghi nhận, nhiều dự án xây trường mới đã hoàn thành để kịp phục vụ cho năm học 2023-2024, không chỉ tạo điều kiện cho việc dạy và học hiệu quả theo chương trình mới, mà còn hướng đến chăm lo cho nhiều đối tượng HS yếu thế khác.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6, TPHCM, xúc động khi nói về ngôi trường mới được khánh thành - Trường Hy Vọng. Năm 2005, quận 6 đã ưu tiên quỹ đất và nguồn vốn đầu tư xây dựng Trường chuyên biệt Hy Vọng trên diện tích 2.400m2, quy mô 4 tầng, gồm 12 phòng học và các phòng chức năng, tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng đáp ứng việc học tập cho 200 HS khuyết tật của quận và khu vực lân cận.

“Trải qua nhiều khó khăn, Trường Hy Vọng mất 18 năm mới hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đây là thành quả sau bao nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc”, bà Thanh Thảo chia sẻ.

Để học sinh hạnh phúc khi đến trường

Vừa được xây dựng hiện đại, đạt chuẩn với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 11) là niềm vui của nhiều phụ huynh, HS trên địa bàn khi sắp bước vào năm học mới. Chị Trần Tố Nga (phụ huynh một HS lớp 1) chia sẻ, ngôi trường cũ trước đây khá chật hẹp, phòng học, bàn nghế cũ kỹ. Với ngôi trường mới, tất cả đều tinh tươm, sạch sẽ.

“Trước hè, khi cho con đến tham quan trường mới, con tôi rất háo hức chờ ngày đến trường. Với trường mới, các con sẽ có điều kiện học tập tốt hơn”, chị Nga tâm sự. Thầy Lương Vĩnh Quang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm học này, nhà trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục.

Để phát huy lợi thế cơ sở vật chất, trường lớp mới, nâng chất GD-ĐT trên địa bàn huyện nhà, trước thực trạng điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của 3/4 trường THPT luôn ở tốp cuối của thành phố nhiều năm qua, bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, khẳng định, huyện đã và đang thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Đối với bậc THCS, hàng năm huyện chỉ đạo phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể, khả thi, phù hợp tình hình thực tế của huyện, trong đó ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường trong dịp hè; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, giảng dạy.

“Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, phụ huynh trong việc giáo dục HS ý thức tự học, tự rèn luyện theo định hướng của giáo viên; hướng dẫn HS khai thác kho học liệu nhằm củng cố và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Thực hiện xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, tiến tới xây dựng trường học hạnh phúc để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, các em mến trường, mến lớp, khắc phục khó khăn để học tập tốt”, bà Lê Thị Anh Thư nói thêm.

Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Đảm bảo 100% chỗ học cho con em

Năm học 2023-2024, số HS của TPHCM là 1.703.693 em ở tất cả bậc học (tăng 35.055 HS so với năm học trước). Số HS tăng chủ yếu ở các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè - những khu vực trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên dân số tăng cao. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt cả hệ thống chính trị, các địa phương vẫn đảm bảo 100% chỗ học cho con em người dân. Cụ thể, trong năm 2023, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới, có tổng mức đầu tư hơn 1.503 tỷ đồng. Ngay trong dịp khai giảng năm học mới này đã có 27 dự án với 441 phòng học (tăng nhiều nhất là ở bậc tiểu học, THCS, mầm non) được đưa vào sử dụng; sau ngày 5-9 đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thành 21 dự án với 231 phòng học.

Ông ĐỖ ANH KHANG, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TPHCM: “Nút thắt” xây trường đã được gỡ

Thành phố vừa có văn bản giao quận Gò Vấp thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch đô thị về việc đầu tư xây dựng mới Trường Tiểu học phường 9 trên khu đất 6.622m2; vị trí khu đất thuộc ô phố ký hiệu VI.32 (diện tích 1,04ha) quy hoạch đất xây trường học với mật độ xây dựng tối đa 40% (quy mô xây dựng gần 4.500m2, tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng). Đồng thời, UBND TPHCM cũng phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 phường 12, phường 14, một phần phường 8, phường 9 tại ô phố có ký hiệu II.41 từ đất công nghiệp hiện hữu thành đất quy hoạch giáo dục để xây trường tiểu học (0,6ha) và trường THCS (1ha), cao tối đa 4 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Quận Gò Vấp sẽ đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của UBND TPHCM để sớm khởi công xây mới các trường học. Khi hoàn tất và đưa vào sử dụng, sẽ giúp quận nhà có thêm những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn.

Ông NGUYỄN KỲ PHÙNG, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TPHCM: Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây những ngôi trường mới

Hiện trên địa bàn TP Thủ Đức có 639 trường, cơ sở giáo dục, trong đó có 156 trường công lập, 481 trường, cơ sở ngoài công lập, tuy nhiên áp lực trường lớp luôn nóng. Để chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cho năm học 2023-2024, TP Thủ Đức kịp thời đưa vào sử dụng 4 trường mầm non với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, gồm: Mầm non Rạch Chiếc, Mầm non An Khánh, Mầm non Tam Đa và Mầm non Phước Long B; đồng thời, cấp 45 tỷ đồng ngân sách cho ngành giáo dục tiến hành cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường. Thời gian tới, TP Thủ Đức tiếp tục đầu tư kinh phí trang bị phòng vi tính cho gần 20 trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu dạy học môn Tin học cho HS với 1.150 máy tính (dự toán 23 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục