Quà tặng của bạn đọc Báo SGGP đến với các nữ pháo thủ Ngư Thủy
Đây là lần đầu tiên sau khi giải ngũ các nữ pháo binh Ngư Thủy mới có dịp tề tựu lại. Họ đã sinh ra ở làng cát ven biển Lệ Thủy, cùng chiến đấu trên 4 mâm pháo trong cùng một đại đội.
Ngày đất nước thống nhất, họ trở về sống cuộc đời bình dị và rất khó khăn trên vùng đất cát. Họ vẫn ước ao trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập đại đội có thể tổ chức họp mặt, hội ngộ sau nhiều năm tứ tán, khi đã tuổi già sức yếu. Nhưng ai cũng nghèo khó, ngân sách địa phương eo hẹp, nên không sao xoay xở được kinh phí tổ chức họp mặt. Thấu hiểu nỗi niềm đó, Báo SGGP ngày 26-10-2017 đã đăng bài Mong ước giản dị của các nữ pháo binh Ngư Thủy, với tâm nguyện làm cầu nối để bạn đọc ủng hộ.
Sau khi đọc bài báo, cựu chiến binh Đặng Công Tâm (75 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) đã đứng ra quyên góp bạn bè cựu binh thân thiết để ủng hộ các nữ pháo binh Ngư Thủy. Rồi ông liên hệ với phóng viên để tìm đến huyện Lệ Thủy trao quà tặng toàn bộ đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, gồm 60 triệu đồng để may cho 80 nữ pháo thủ còn sống 80 bộ áo quần lụa, tặng gia đình 91 nữ pháo thủ 91 bộ ấm chén có in dòng chữ “Đại đội pháo binh Ngư Thủy” cùng năm thành lập và năm kỷ niệm 50 năm.
Ông Tâm kể: “Đọc bài báo, thấy thương các o quá, biết các o từ phim ảnh, báo chí, thật xúc động khi gặp. Của ít lòng nhiều, tặng các o để các o có cuộc hội ngộ, thêm tinh thần vui sống tuổi già”. Các bạn đọc khác cũng đã đến Báo SGGP hoặc chuyển qua tài khoản của báo góp thêm 12,7 triệu đồng ủng hộ các nữ pháo binh Ngư Thủy.
Cựu chính trị viên Trần Thị Thản xúc động: “Rất cảm ơn Báo SGGP đã đăng bài báo để chúng tôi được kết nối với bác Tâm, với bạn đọc của báo, để đại đội pháo binh Ngư Thủy có cơ hội tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập”.
Nữ pháo thủ Trần Thị Huân kể: “10 năm trước, Báo SGGP cũng đã tổ chức cho một số nữ pháo thủ vào TPHCM giao lưu với cán bộ công nhân viên một số đơn vị và sinh viên các trường đại học. Lúc đó tôi được đi trong đoàn, rất cảm động. Nay Báo SGGP lại vận động để giúp kinh phí cho chị em chúng tôi có cơ hội tề tựu, thật là tình sâu nghĩa nặng, chúng tôi rất cảm kích và không thể nào quên”.
Khi biết về việc tổ chức lễ kỷ niệm này, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đang đi công tác xa cũng gửi lẵng hoa và món quà 10 triệu đồng tặng các nữ pháo thủ. Bộ Tư lệnh Pháo binh gửi thư chúc mừng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quân khu 4, Huyện ủy và UBND huyện Lệ Thủy cũng cử đại diện đến dự. Trường Mầm non Hồng Nhung ở Đà Nẵng cũng gói ghém áo len mới mang ra tặng các nữ pháo thủ mặc chống rét, một số đơn vị gửi tiền mặt giúp đỡ. O Thản thông tin, với số tiền mặt được trao tại lễ kỷ niệm, chị em sẽ tính toán hợp lý để trích ra giúp đỡ các o đang ốm đau liệt giường và mua gạo giúp các o có hoàn cảnh khó khăn.
Có mặt trong không khí ấm áp của buổi họp mặt, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, nói: “Thành công của buổi lễ kỷ niệm này là nhờ Báo SGGP đã kêu gọi giúp đỡ kinh phí, quà tặng từ bạn đọc. Tình cảm đó thật đáng quý!”.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được thành lập ngày 20-11-1967 và giải thể vào tháng 12-1977, trong quá trình hoạt động đơn vị có 91 nữ pháo binh, nay 11 người đã qua đời. Đơn vị đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất; năm 1970 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.