Hát bội một thời “làm tội” khán giả (câu ca dao xưa “Hát bội làm tội người ta”), những đêm hát ở đình, miếu hay sân khấu luôn chật kín người xem. Và tiếp diễn sự phát triển của dòng chảy nghệ thuật, hát bội không còn thịnh đến cải lương một thời vang vọng đất phương Nam, bao nhiêu đoàn hát, đào, kép tiếng tăm giờ hầu như chỉ còn là hoài niệm.
Không phải đến hiện tại, mà rất nhiều năm qua, không ít hội thảo, tọa đàm tìm giải pháp để các loại hình nghệ thuật vàng son một thuở này có thể bắt nhịp vào mạch thị hiếu đương đại của khán giả. Tuy nhiên, giải pháp để chuyển mình hữu hiệu vẫn còn chờ đáp án ở tương lai.
Sự đa dạng của các loại hình nghệ thuật - giải trí mới đặt các loại hình nghệ thuật truyền thống phải cạnh tranh trong thế đuối sức, khi xu hướng thay đổi từng ngày nhưng tuồng xưa tích cũ muốn làm mới không phải là chuyện một ngày một bữa. Trong thị hiếu xem - nghe - đọc ngày càng nhanh và tiện ích của khán giả, cải lương, hát bội chuyển mình đến mức phải bước vào phục vụ ở quán bar, ca vọng cổ, cải lương trong nhà hàng…
Một nỗ lực để bước đến gần khán giả hơn, nhưng gần tới đâu và có duy trì được đường dài hay không, câu hỏi chưa hẳn tìm được câu trả lời. Nhưng còn hát, còn biểu diễn thì câu chuyện mưu sinh của nghệ sĩ đã trót dấn thân theo nghề hẳn sẽ còn hy vọng.
Không ít ý kiến khán giả chua xót khi sân khấu cải lương một thời sáng đèn rực rỡ, nhưng nhiều nghệ sĩ hiện giờ có khi hát rong ở những quán ăn, quán nhậu, hát bội xưa vốn diễn trong những không gian như đình, miếu, giờ cũng phải tìm cách tồn tại diễn cả ở quán bar… Sự xót xa này cũng dễ hiểu, nhưng mỗi góc nhìn có những lý giải và thấu hiểu khác nhau.
Và giải pháp đôi khi phải đi cùng sự chấp nhận, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật - giải trí của số đông khán giả đương đại đã không dành cho cải lương, hát bội hay một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Trong muôn vàn những làn sóng tiếp biến văn hóa, những điều không còn thịnh hành nhưng vẫn được người đương thời nhắc nhớ, hẳn cũng là một góc nhìn của thành công trong việc giữ gìn. Giải pháp cho nhiều lĩnh vực chính là sự chung tay liên ngành, để cải lương, hát bội vượt qua được “nỗi buồn năm cũ” cũng thế, để người theo nghề sống được với nghề thì mới có thế hệ sau mạnh dạn tiếp nối. Và trước hết là phải hình thành được lớp khán giả đủ yêu và hiểu nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh đương đại.