Niềm tin trên thế giới ảo - hiểm họa từ sự dễ dãi

Chọn đặt hết niềm tin, sống hẳn trong thế giới mạng khi cuộc sống thực không được như ý, là lựa chọn của nhiều người trẻ. Họ không thích gặp gỡ trực tiếp với bạn bè, chỉ chơi với điện thoại; gặp chuyện khẩn cấp không kêu cứu với người thân hay láng giềng mà kêu cứu trên livestream... 

Một số người trẻ dần rời xa các mối quan hệ thật để chìm đắm trong các nhóm tâm sự cùng người lạ
Một số người trẻ dần rời xa các mối quan hệ thật để chìm đắm trong các nhóm tâm sự cùng người lạ

Lấy công nghệ để giải cứu tâm hồn...

Khó tâm sự với người nhà, ngại để bạn bè thấy mình đăng quá nhiều dòng trạng thái lên Facebook mỗi ngày, chị T.H. (30 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ tại TPHCM) tạo một fanpage để mình thoải mái chia sẻ những nỗi buồn với những người lạ. Khi fanpage đã được hơn 2.000 người đăng ký, chị H. bắt đầu có vài “người hâm mộ” thân thiết và kết bạn cả trên Facebook cá nhân thật. “Một bạn nhắn tin cho tôi, nói chuyện mỗi ngày trong hơn 1 năm rưỡi. Tôi rất cảm mến sự quan tâm này và dần rất tin tưởng, yêu thương, muốn kết nghĩa chị em vì gia đình mình không hạnh phúc. Tôi hình thành thói quen đi đâu, làm gì cũng chụp hình nhắn với bạn này. Tôi còn cho cả số điện thoại, số nhà, chỗ làm, gửi và nhận quà từ nhau mỗi dịp lễ tết… Cũng có người khuyên nên cẩn thận, nhưng dù gì cũng nói chuyện với nhau quá nhiều và đều đặn, tôi không thể dừng được”, chị H. kể lại.

Tốt nghiệp ra trường, còn đang chật vật tìm việc làm nhưng H.C. (29 tuổi, ngụ TPHCM) đã xây dựng cho mình một trang Facebook hoành tráng với profile (hồ sơ cá nhân) du học nhiều nước, từng cộng tác với nhiều tập đoàn truyền thông nổi tiếng thế giới, chủ công ty quảng cáo cá nhân, hàng trăm status (trạng thái) thể hiện mình đang có mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông…, trang được nhiều sinh viên cùng ngành theo dõi. H.C. còn chủ động tạo lòng tin với các sinh viên bằng cách nhắn tin tâm sự, gợi ý công việc… Dần dần, khi đã thân thiết, H.C. mới bí mật tiết lộ “thông tin nội bộ” rằng sắp về làm sếp chỗ này, chỗ kia và nếu muốn cùng về làm việc thì có thể sắp xếp với một khoản chi phí từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng.

Có một thực tế là không ít người trẻ hiện nay do quá lạm dụng các mối quan hệ trên mạng mà dần đánh mất các mối quan hệ trong cuộc sống thực, thậm chí không còn biết cách xây dựng các quan hệ cá nhân bên ngoài. Trước tình hình đó, nhiều hội nhóm trên mạng mọc lên nhằm giải quyết nhu cầu chia sẻ tâm sự khi cuộc sống gặp trục trặc của các bạn trẻ. Các nhóm này luôn tấp nập và chủ yếu theo xu hướng càng ẩn danh càng tốt: người đăng vấn đề ẩn danh, người chia sẻ, tư vấn giải quyết cũng dùng tài khoản ảo, nhưng lại dành cho nhau 100% sự tin tưởng.

...Hay công nghệ khiến thương tổn nặng hơn

Đùng một ngày, “người hâm mộ” online của chị H. bắt đầu đổi giọng và nhắn tin với chị những tin nhắn “không bình thường”. Chị H. kể lại: “Tôi bị bạn ấy tấn công trên mọi mạng xã hội, gửi những đoạn văn dài tỏ ý yêu đương sến sẩm, quan tâm, can thiệp quá lố, thao túng mọi việc vào đời tư của tôi liên tục trong suốt hơn 4 tháng. Tôi vừa sợ hãi, vừa ngạc nhiên, mà không cách nào chặn được, bởi đã cho tất cả thông tin cá nhân. Đến lúc này, tôi mới sực tỉnh ra là hơn 1 năm rưỡi qua, tôi chưa hề biết gì về bạn ấy, khuôn mặt, nghề nghiệp, làm ở đâu và thậm chí tên hay giới tính. Khi tôi gọi qua ứng dụng Facebook, chưa bao giờ được bắt máy với vô số lý do và tôi chưa hề mảy may nghi ngờ”.

Sau vụ tấn công tin nhắn đó, khá lâu H. mới dám đụng lại điện thoại, vì ám ảnh với những đoạn tin nhắn rất dài có phần “biến thái” đó. Chị H. không hề là trường hợp đặc biệt. Tại một chương trình hẹn hò trên sóng tivi, một cô gái trẻ mới chỉ hơn 20 tuổi đã tâm sự vừa trải qua mối tình sâu đậm 3 năm với một người yêu sống “lowkey” (khiêm tốn, không khoe mẽ nhiều lên mạng). Không gặp trực tiếp, không video call, không ảnh đại diện, Facebook của chàng trai như Facebook ảo… ấy thế mà phải mãi đến khi bị gia đình đưa đến bác sĩ tâm lý, cô gái mới giật mình bừng tỉnh khi bị bắt phải trả lời câu hỏi “người ấy có thật hay không?”. Gần đây, vụ án một cô gái bị sát hại lại lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những mối quan hệ qua mạng. Chỉ biết qua mạng, yêu qua mạng, không biết gì thật về nhau nhưng lại sẵn sàng hẹn hò đi du lịch xa cùng nhau. Hay câu chuyện của H.C., phải đến khi những người đưa tiền vô tình liên hệ với nhau mới biết bị lừa. Hình ảnh, thông tin đều là giả nhưng lại không thể đòi lại được, bởi như chính H.C. công khai lên tiếng “tiền tự nguyện chuyển để lo trà nước xin việc, không được thì thôi chứ”.

Cảnh giác cao độ với người lạ là lời khuyên chưa bao giờ thừa. Ngay cả những người ta gặp hàng ngày, biết mặt, biết tên đôi khi còn chưa thể xây dựng được niềm tin, huống chi những người xa lạ quen trên mạng. Mở rộng mối quan hệ không phải là điều sai, nhưng càng mở rộng càng phải cảnh giác, càng cần tạo dựng các rào chắn bảo vệ chính mình và cả những người thân xung quanh.

Tin cùng chuyên mục