Chẳng hạn như Khaisilk, Mumuso… Đại diện cơ quan chuyên trách, cụ thể là Cục Quản lý thị trường, đã nhiều lần khẳng định sẽ không dung túng cho sai phạm, đồng thời không để “chìm xuồng” vụ việc. Thế nhưng, có lẽ đó chưa hẳn là mấu chốt của vấn đề, bởi người tiêu dùng cần ở doanh nghiệp chính là sự sòng phẳng và minh bạch.
Hiện nay, khách mua hàng rất lo cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”, trả tiền cao nhưng nhận được món hàng giá rẻ. Gần đây, một thương hiệu chuyên cung cấp các mặt hàng cho bà mẹ và trẻ em cũng đang bị điều tra vì có những dấu hiệu cho thấy sự không minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Mặc dù, cơ quan chuyên trách đang thận trọng xem xét vụ việc, sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng nhưng dư luận, người tiêu dùng đã một phen dậy sóng. Chưa rõ thực hư ra sao, nhưng thực tế cho thấy, thương hiệu của doanh nghiệp bị kiểm tra cũng đã ảnh hưởng thấy rõ. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin lan truyền nhanh chóng như hiện nay, đôi khi người tiêu dùng không nhất thiết phải trải nghiệm sản phẩm mới biết chất lượng như thế nào, mà chỉ cần thông qua kênh đo lường của dư luận, họ có thể quyết định nên hay không nên đặt mua sản phẩm. Điều đó cho thấy không thể có sự dung dưỡng, chứa chấp cho cách làm ăn chụp giựt. Khách hàng ngày nay rất nhạy bén khi có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ thông tin. Muốn biết chất lượng, thương hiệu của một sản phẩm nào đó ở mức nào, họ chỉ cần lên mạng tra cứu. Thao tác này cực kỳ đơn giản.
Đã qua rồi thời kỳ doanh nghiệp muốn quảng cáo thế nào cũng được, nói sao người nghe cũng tin. Sự tương tác, thông tin “mở” của thời đại ngày nay đã hỗ trợ đa dạng, phong phú hơn cho người tiêu dùng. Chính các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như thế giới, khi tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ta đều nhìn nhận, bán sản phẩm cho khách hàng, ngoài việc “trao cho người mua hàng tốt, hàng chất lượng, người bán còn phải trao cả niềm tin đến với khách”. Đó chính là “chữ tín” mà doanh nghiệp phải thuộc nằm lòng. Nếu bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận, gạt bỏ quyền lợi của khách hàng, bán rẻ uy tín… doanh nghiệp sẽ thất bại.
Điều mà khách hàng cần chính là sản phẩm chất lượng, đúng cam kết trên mẫu mã. Người tiêu dùng sẽ không quá xét nét nếu ngay từ đầu doanh nghiệp ghi đầy đủ, công khai xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm… Qua đó, thể hiện sự minh bạch, sòng phẳng đối với người mua. Tâm lý chung của người tiêu dùng không dại gì khi mua sản phẩm mập mờ xuất xứ, có dấu hiệu gian lận, không rõ ràng. Cơ quan chuyên trách sẽ tích cực làm việc, công bố kết luận chính thức về gian lận của doanh nghiệp vi phạm, nhưng điều người dân kỳ vọng lại cực kỳ giản dị, chỉ cần người bán trung thực với người mua. Bởi sau những kết luận trên, doanh nghiệp bị xử phạt, bị thiệt hại đã rõ, còn người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi mất tiền, mất niềm tin vào những thương hiệu mà họ đã từng tin tưởng.