Ăn cơm nhà nhận bằng đại học
Như một thông lệ, cứ đến mỗi mùa thi, các trường ĐH lại lập đoàn đến các trường THPT để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Chương trình tư vấn mùa thi không chỉ tổ chức ở các thành phố lớn mà phổ biến rộng rãi đến với các trường ở vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là mong muốn của nhiều chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh, trong đó “tiên phong” có thể kể đến là TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM. Ông đã có thâm niên thực hiện chương trình hơn 20 năm.
“Thời đấy, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 là khăn gói lên các thành phố lớn thi ĐH. Các em thường truyền cho nhau câu nói: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa...” để chọn ngành. Các em thi đại học theo phong trào chứ không căn cứ vào thực lực, khả năng của mình”, TS Trần Đình Lý nhớ lại. Với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì thông tin về ngành nghề, các trường ĐH càng hạn chế hơn. Theo TS Trần Đình Lý, chương trình “tiếp thị”, đưa thông tin trường ĐH đến với học sinh ra đời từ đó. Mục đích là đưa thông tin các ngành nghề, trường để các em không chọn sai.
Nhờ có chương trình đưa thông tin thiết thực đến với thí sinh mà thời gian sau đó, học sinh đã có nhiều cơ hội lựa chọn đúng ngành nghề, trường ĐH để dự thi. Cũng từ đó, học trò ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã biết đến để đăng ký dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TPHCM nhiều hơn.
Không chỉ đưa thông tin trường ĐH, nhiều thế hệ nhà giáo của trường đã đưa “thương hiệu” Trường ĐH Nông lâm TPHCM đến với các em. Năm 2006, Phân hiệu ĐH Nông lâm TPHCM tại Gia Lai được thành lập, nhằm mục đích đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp cho vùng Tây Nguyên. Sau gần 20 năm hoạt động, hàng ngàn sinh viên đồng bào dân tộc Ê đê, Ba na đã tốt nghiệp với thương hiệu “Nông lâm TPHCM” và tỏa ra khắp các tỉnh, mang kiến thức về xây dựng buôn làng.
Không dừng ở đó, năm 2010, Phân hiệu ĐH Nông lâm TPHCM tại Ninh Thuận tiếp tục ra đời, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, năng lượng tái tạo và khoa học công nghệ cao. Học sinh đồng bào dân tộc Chăm, Ê đê, Ba na... không phải khăn gói vào TPHCM, mà lên giảng đường ngay ở quê nhà. Mô hình “ăn cơm nhà nhận bằng đại học” của Trường ĐH Nông lâm TPHCM đã đưa kiến thức, kỹ thuật cao trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế kịp thời đến đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa.
Đưa sản phẩm khoa học ra thị trường
Với tiêu chí hành động “Học phải đi đôi với hành”, “Thành tựu nghiên cứu khoa học phải phục vụ đời sống”, đội ngũ những người thầy, nhà khoa học của Trường ĐH Nông lâm TPHCM đã miệt mài thể hiện vai trò “người đưa đò” trên dòng sông tri thức. Các thầy vừa cần mẫn truyền đạt kiến thức trên các giảng đường, vừa lặng lẽ nghiên cứu khoa học trong các phòng thí nghiệm. Mỗi năm, nhà trường đào tạo, cung cấp cho xã hội hơn 4.000 kỹ sư nông nghiệp chất lượng cao trên các lĩnh vực kinh tế, quản trị nông, lâm, ngư, chăn nuôi thú y, hay quản lý đất đai, công nghệ sinh học, môi trường...
Những công trình, sản phẩm khoa học của thầy, trò Trường ĐH Nông Lâm TPHCM được ứng dụng, tổ chức sản xuất thành sản phẩm phục vụ đời sống. Nhiều công trình khoa học đã triển khai, xây dựng được thương hiệu trên thương trường như: cá tra, basa, cá lăng, hay nấm linh chi, đông trùng hạ thảo... Đó là kết tinh từ những giọt mồ hôi, những bữa quên ăn trong phòng thí nghiệm của cả thầy và trò. Niềm hạnh phúc của những người thầy chính là sinh viên không chỉ thu nạp kiến thức mà còn trở thành cộng sự đắc lực để nghiên cứu và đưa sản phẩm khoa học trở thành hàng hóa, từ nhà trường ra thị trường. Nhiều công ty, doanh nghiệp do cựu sinh viên thành lập quản lý, điều hành đã cho ra thị trường nhiều loại hàng hóa chất lượng cao.
Để tiếp sức cho sinh viên khởi nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TPHCM thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, và giảng viên, nhà khoa học trở thành những cố vấn, bạn đồng hành cùng sinh viên lập nghiệp. Trung tâm là “bà đỡ” cho nhiều doanh nghiệp phát triển, có sản phẩm thương hiệu uy tín trên thương trường như Công ty TNHH Gia Đình Xanh với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: gạo, cà chua, rau xanh; Công ty TNHH Công nghiệp nông nghiệp cao nông lâm với các sản phẩm giám sát điều kiện canh tác, điều khiển các trang thiết bị qua ứng dụng điện thoại, web-base; các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng, nấm ăn và nấm dược liệu đông trùng hạ thảo, linh chi, linh chi Nhật Bản, linh chi Hàn Quốc… |