Vừa qua, phóng viên chiến trường Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc - em bé trong bức ảnh Em bé Napalm đã có buổi giao lưu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh “Em bé Napalm”.
“Em bé Napalm”, bức ảnh chấn động thế giới về chiến tranh Việt Nam được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972 về bé Phan Thị Kim Phúc và những bé khác đang gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
50 năm đã qua, đó cũng là hành trình bé Kim Phúc chữa lành vết thương chằng chịt trên da thịt và là hành trình tác giả Nick Út dần nguôi ngoai nỗi ám ảnh về chiến tranh.
Lần đầu tiên, tác giả bức ảnh Nick Út và em bé Kim Phúc trong bức ảnh có cuộc hội ngộ tại Việt Nam qua sự kiện: “Nick Út - Em bé Napalm: Gặp gỡ 50 năm (1972-2022)”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh “Em bé Napalm” ra đời. Ảnh: QUANG PHÚC Nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ về những hình ảnh ông không thể quên về bé Kim Phúc cách đây 50 năm. "Thời điểm đó tôi vừa chụp vừa khóc và khi giúp cô bé. Tôi nhủ lòng không được bỏ đi để đưa Phúc vào viện, trong khi mọi người ở đó đã bỏ đi hết”, Nick Út nói. Và khi ấy, ông cũng không ngờ bức ảnh “Em bé Napalm” đã mang đến cho ông giải Pulitzer. Bức ảnh của ông đã được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. Đây là bức ảnh làm thay đổi cuộc đời ông và Kim Phúc; đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Các nhân vật kể lại những câu chuyện cảm động đằng sau bức ảnh. Ảnh: QUANG PHÚC Tác giả của bức ảnh cũng rất hạnh phúc vì bức ảnh không chỉ có sức ảnh hưởng lớn trong chiến tranh mà còn có giá trị đến hôm nay, khi bức ảnh này vẫn tiếp tục xuất hiện như một biểu tượng chống chiến tranh.
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bức ảnh được trưng bày trang trọng cùng với câu chuyện xúc động khi nhà báo Nick Út đưa bé Kim Phúc lúc đó mới 9 tuổi vào bệnh viện và em đã được cứu sống.
Lần đầu tiên tác giả và em bé Napalm gặp nhau tại Hà Nội, bà Phan Thị Kim Phúc tâm sự: “Là 1 nhân vật trong 1 bức ảnh nổi tiếng không phải dễ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức hình, tôi không hiểu tại sao tác giả có thể chụp được. Sau chiến tranh, tôi nằm ở bệnh viện, chịu đựng nhiều nỗi đau do vết thương gây ra. Khi trở lại làng tại Trảng Bàng (Tây Ninh), tôi rất buồn vì nơi đây chịu tàn phá của chiến tranh không còn như cũ”.
Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc- em bé trong bức ảnh Em bé Napalm đã cùng giao lưu chia sẻ về câu chuyện liên quan tới bức ảnh lịch sử cách đây 50 năm. Ảnh: QUANG PHÚC "Tôi từng nghĩ, với vết sẹo loang lổ trên cơ thể, mình sẽ không thể có người yêu, không lấy được chồng. Sau khi từ bệnh viện về, tôi đã có giấc mơ lớn sẽ trở thành bác sĩ. Tôi đã cố học để đạt được ước mơ, tiếc là giấc mơ đó đã không thành sự thật. Sau này khi bức ảnh có sự lan toả mạnh mẽ, nhận thức của tôi thay đổi dần. Tôi biết ơn chú Út Nick vì hành động cứu giúp tôi trong khoảnh khắc đó và bức ảnh ông chụp. Tôi đã không thể giúp được người khác với vai trò bác sĩ nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì giúp được người khác với bức ảnh mang thông điệp tình yêu, hy vọng và tha thứ”, bà Kim Phúc kể.
Ở lần trở lại này, nhà báo Nick Út đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số hiện vật ông đã sử dụng trong quá trình tác nghiệp những năm 1970. Vào tháng 6-2018, nhiếp ảnh gia Nick Út đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 chiếc máy ảnh, 52 tài liệu ảnh gốc do ông chụp tại chiến trường Việt Nam và một số bức ảnh tác giả chụp tại Việt Nam sau năm 1975.
MAI AN