Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thảo luận tại tổ trong phiên làm việc chiều 6-1 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, dự án gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, chủ yếu tập trung trong 2 năm. Tuy nhiên, với 12 dự án thành phần, trong đó có 10 dự án thuộc loại công trình trọng điểm quốc gia, nên từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công sẽ mất 2-3 năm và kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành cũng mất thêm 2 năm nữa.
Do đó, ĐB đề nghị phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. “Đề nghị trao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thành phần trên 1.000 tỷ đồng cho Bộ GTVT quyết định, chỉ như thế thôi cũng đã bớt được 3 tháng làm thủ tục. Tất nhiên, vẫn phải giám sát để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, tránh thất thoát, tiêu cực”, ĐB Nguyễn Trường Giang góp ý.
Lưu ý rằng các dự án xây dựng đường cao tốc có tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức, ĐB Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) băn khoăn: “Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của dự án. Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các quy định và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông đầu tư giai đoạn trước cũng còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được khắc phục”. ĐB đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại hạn chế về nội dung này để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí của dự án.
Tiếp lời ĐB Bùi Mạnh Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc nhượng quyền thu phí các đoạn cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đã được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên đúng là chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cùng quan tâm đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án, ĐB Cao Thị Xuân nhận định, số hộ dân phải di dời để xây dựng đường cao tốc rải ở 13 tỉnh là khá lớn. “Phải có chế tài trách nhiệm rất rõ, rất cụ thể đối với các địa phương trong vùng dự án, không để người dân bị di dời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”, ĐB Cao Thị Xuân nói.