Công an TPHCM vừa ban hành kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Qua đó, năm 2019 được tập trung vào chủ đề an toàn giao thông (ATGT) cho hành khách và người đi mô tô, xe máy với mục tiêu: “Tính mạng con người là trên hết”.
Khi đề cập đến tham gia giao thông và giữ an toàn tối đa trong quá trình lưu thông, có thể nói xe chữa cháy là một trong những phương tiện liên quan đặc biệt.
Bởi, ngoài trọng lượng rất nặng, khối lượng, thể tích lớn nên quá trình di chuyển hết sức khó khăn, trong khi đó phải chuyển động với tốc độ cao, sao cho đến hiện trường nhanh nhất có thể. Vì vậy, lái xe chữa cháy được đào tạo hết sức kỹ lưỡng và có kinh nghiệm, bản lĩnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ khẩn cấp, khó có thể chắc chắn được điều gì nếu tình hình giao thông phức tạp, vi phạm ATGT tràn lan, ý thức nhường đường cho xe chữa cháy nói riêng và các loại xe có quyền ưu tiên nói chung, chưa cao như hiện nay.
Cách đây gần 1 năm, vào chiều 18-3-2018 đã xảy vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe chữa cháy với xe khách 45 chỗ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, làm 6 người tham gia giao thông bị thương và một chiến sĩ chữa cháy tử vong.
Biết được tin này, khi đó tôi đã không khỏi xót xa và trăn trở nhiều điều. Xót xa bởi một chiến sĩ chữa cháy tử nạn ngay trên đường đi làm nhiệm vụ, trong khi nếu an toàn đến đích, anh và đồng đội có thể cứu được nhiều người khác. Đó là nghịch cảnh, xót xa chồng lên mất mát.
Tâm sự với phóng viên, anh Nguyễn Hoàng Luyến - một trong những lái xe chữa cháy lâu năm, hiện đang công tác tại một đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp địa phương, khẳng định để đào tạo được một người lính chữa cháy không hề dễ dàng.
Nếu là chiến sĩ nghĩa vụ phải qua nhiều tháng ngày gian khổ trên thao trường. Khi vượt qua và hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện mới được phân bổ về các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Kỹ càng hơn, các đơn vị trực tiếp nhận tân binh sẽ huấn luyện bổ sung khoảng một tháng nữa, nhằm phù hợp với địa bàn quản lý và phương tiện sẵn có.
Còn riêng lái xe chữa cháy, mặc dù đã được đào tạo bài bản tại Trường Đại học PCCC, nhưng khi được phân công về đơn vị cụ thể phải trải qua quá trình tập luyện hàng tháng trời để làm quen với xe, phương tiện trên xe và nắm chắc giao thông, nguồn nước có tính đặc thù riêng trên địa bàn. Sau cùng, phải vượt qua được đợt sát hạch thực địa mới được đưa vào thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Trong nhiều năm thực hiện nhiệm vụ, theo anh Nguyễn Hoàng Luyến, điều anh trăn trở nhất là ý thức tham gia giao thông của người dân, đa số còn chưa cao và chưa nắm rõ các quy định, dẫn đến nhiều vụ va chạm không đáng có với xe chữa cháy.
Thậm chí có những vụ việc còn gây tranh cãi khi có người còn đặt câu hỏi: “Trường hợp này xe chữa cháy đúng hay sai?” như vụ tai nạn kể trên.
Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã đến Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an TPHCM) và được Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó trưởng PC07, cho biết: “Tại Điều 22 của Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định, xe chữa cháy là một trong những phương tiện được quyền ưu tiên lưu thông trên đường đi làm nhiệm vụ.
Chi tiết này được thể hiện tại điểm a, khoản 1 Điều 22. Tiếp sau đó, tại khoản 2 của điều này hướng dẫn: Xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Đặc biệt, tại khoản 3 điều này quy định: Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên”.
Bản thân người viết đã trực tiếp có mặt trên xe chữa cháy, CNCH nhiều lần và nhận thấy người tham gia giao thông chen lấn xe chữa cháy cả khi xe đã hụ còi. Ngồi trên xe, chiến sĩ liên tục phát đi thông báo đến mức khản cả giọng: “Yêu cầu các phương tiện nhường đường cho xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, chỉ được đáp lại bằng sự di chuyển hết sức chậm chạp hoặc không thể di chuyển được bởi sự chen lấn của quá đông phương tiện lưu thông cùng hướng.
Thậm chí, có những người điều khiển phương tiện giao thông phía sau còn tranh thủ vượt lên khi xe chữa cháy đang phải đứng yên hoặc di chuyển chậm.
Trên mạng xã hội vẫn hay xuất hiện các hình ảnh hoặc video clip phản ánh nhiều loại phương tiện không nhường đường cho xe chữa cháy, cho dù trong điều kiện có thể.
Như trên đã nói, do xe chữa cháy thuộc loại đặc chủng, có trọng lượng, khối lượng lớn. Bên cạnh đó, thường di chuyển với tốc độ cao, nên nếu xảy ra va chạm rất dễ gây tai nạn nghiêm trọng bởi quán tính lớn.
Do được chế tạo đặc biệt, nên nếu có va chạm, thường là phương tiện va chạm vào xe chữa cháy bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, để bảo vệ chính tính mạng và tài sản của bản thân hãy nhường đường xe chữa cháy ở phạm vi tốt nhất có thể.
Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định xe chữa cháy là một trong những xe ưu tiên hàng đầu trong các xe được ưu tiên. Vì lính chữa cháy có thể cứu được rất nhiều người đang khắc khoải chờ đợi, nếu xe chữa cháy đưa họ đến được hiện trường sớm nhất có thể. Điều đó sẽ giúp tăng cao cơ hội cứu người và tài sản, bởi những phút đầu tiên kể từ khi xảy ra cháy được gọi là “thời gian vàng”. |