Văn học thiếu nhi giống như một khu vườn đầy hương sắc và hấp dẫn. Khu vườn ấy luôn mở cửa đón chào tất cả mọi người: từ các em nhỏ, đến các em mới lớn hay những người trưởng thành. Nhà thơ Trần Hà Yên (hội viên Hội Nhà văn TPHCM) đến với thơ thiếu nhi khi đã lên chức bà, là một minh chứng cho thấy tuổi tác thực ra không phải là vấn đề, quan trọng hơn cả là tình yêu dành cho con trẻ. Bởi chỉ có tình yêu con trẻ mới là điều để níu giữ ai đó ở lại và đi đường dài với văn học thiếu nhi.
Bác sĩ Chim Sâu (NXB Hội Nhà văn, 2023) giống như một tấm vé để nhà thơ Trần Hà Yên bước chân vào khu vườn văn học thiếu nhi. Và thật may, sau một năm, bà lại có thêm tập thơ Từ vườn hoa nhà em, như một câu trả lời cho câu hỏi: khi đã đặt được chân vào khu vườn văn học thiếu nhi rồi, liệu người ta có thể làm gì tiếp theo?
Với 42 bài thơ, nổi bật trong đó là đề tài về sinh hoạt đời thường, được Trần Hà Yên phóng chiếu bằng cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên và thấm đẫm tình yêu thương con trẻ. Bà ghi lại khoảnh khắc tập thể dục của một em nhỏ trong một buổi sáng sớm Chủ nhật với lời nhắn nhủ thật nhẹ nhàng: “Bao khó khăn phía trước/ Còn chờ bước em qua/ Cần chăm chỉ luyện tập/ Giữ sức vượt đường xa”. (Chủ nhật của em).
Bài thơ Cô gái nhỏ lại nuôi dưỡng lòng trắc ẩn trong các em nhỏ: biết quan tâm đến những người yếu thế xung quanh, từ những việc làm rất nhỏ như là dắt bà cụ qua đường: “Chờ đèn đỏ xuất hiện/ Mọi người đứng lại rồi/ Trên vạch đường đi bộ/ Mình sẽ qua cụ ơi!”. Bài thơ còn mang đến cho các em kỹ năng sống thông qua việc nhận biết tín hiệu đèn giao thông, được truyền tải bằng lời thơ gần gũi.
Làm thơ cho thiếu nhi khó thì thật khó nhưng đôi khi chỉ cần quan sát, yêu thương rồi ghi lại những câu chuyện của chính các em, thì ta cũng đã có một bài thơ đầy bất ngờ và thú vị. Niềm vui của Bắp là một bài thơ như vậy. Cậu bé Bắp đi học về với niềm vui được “lên chức to”. Khi được bố hỏi, Bắp trả lời: “Cô bảo làm cờ đỏ/ Để bớt nói chuyện đi/ Bài học không theo dõi/ Kiến thức nào mà thi!”. Câu trả lời hồn nhiên của Bắp khiến người đọc không khỏi bật cười.
Một đề tài nổi bật khác trong tập thơ Từ vườn hoa nhà em chính là những bài thơ về thiên nhiên, về thế giới loài vật đầy thân quen và gần gũi với các em nhỏ. Đó là Chú ếch xanh, Anh xe múc, Bác gấu đen và hai chú thỏ, Cáo và gà trống, Chú vịt xám, Chuồn chuồn cánh mỏng, Bác voi xóm… Có những câu chuyện ngụ ngôn được chuyển tải thành thơ, hay những loài vật qua thủ pháp nhân hóa, trở nên gần gũi, đôi lúc thật ngộ nghĩnh và dí dỏm. Từ đó, tình yêu thiên nhiên đã được gieo lên trong các em một cách âm thầm nhưng cũng đầy thấm thía.
Nhà thơ Lê Minh Quốc khi đọc Từ vườn hoa nhà em đã bày tỏ: “Đọc tập thơ Từ vườn hoa nhà em của nhà thơ Trần Hà Yên, vui thay, tôi đã thấy chị hết sức có ý thức khi thủ thỉ, lúc tâm tình, khi trò chuyện, lúc hóa thân vào nhân vật con trẻ. Nhờ vậy, cái nhìn của chị trong trẻo, đôi lúc dí dỏm và khéo léo lồng vào đó những bài học cần thiết”.