Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho người dưới 18 tuổi thận trọng, an toàn, khoa học.
Chính phủ cũng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.
Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình “sóng và máy tính cho em”, bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Bộ GD-ĐT cho biết, đến thời điểm này, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình. Do tác động của dịch nên theo Bộ GD-ĐT, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt.
Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn. Khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hình thức học trên truyền hình, học trực tuyến vẫn là công cụ để bổ trợ, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao khả năng tự học của học sinh.
Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó mới củng cố, mở rộng kiến thức. Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cũng theo hướng giữ ổn định như năm 2021, có thể tổ chức nhiều đợt tùy theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi.