Những vụ động đất kinh hoàng tại châu Á

Những vụ động đất kinh hoàng tại châu Á

Ngày 13-5-2008, theo nguồn tin từ Trung Quốc, số nạn nhân trong vụ động đất mạnh 7,9 độ richter tại tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc đã lên đến gần 10.000 người. Những nhà lãnh đạo nước này như Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều tuyên bố tình hình tại khu vực Tứ Xuyên sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu. Vụ động đất này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến những trận động đất kinh hoàng tại châu Á trong gần 1 thế kỷ qua.

Thảm họa thiên tai và nhân đạo

Những vụ động đất kinh hoàng tại châu Á ảnh 1

Nhà cửa ở TP Islamabad bị phá hủy bởi trận động đất năm 2004.

Đầu tiên đó là trận động đất xảy ra ở phía Bắc Pakistan, Azad Kashmir, vào ngày 8-10-2005 mạnh 7,6 độ richter làm 78.000 người thiệt mạng. Trận động đất xảy ra trên diện rộng trải dài từ Pakistan, miền Bắc Ấn Độ và Afghanistan. Có khoảng 1.400 người Ấn Độ thuộc bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ) đã bỏ mạng, còn Afghanistan có 4 người.

Những người dân ở vùng núi Pakistan bị ảnh hưởng nặng nhất. Lở đất do động đất gây ra đã khóa chặt các tuyến đường, làm 3,3 triệu người bị mất nhà cửa. Còn theo thông báo của LHQ đời sống của 8 triệu người dân Pakistan cũng bị đe dọa bởi trước đó mưa tuyết đã kéo dài tại khu vực núi Hymalaya. Con số thiệt hại về vật chất do vụ động đất gây ra lên đến 5 tỷ USD. Các nhà khoa học cho biết khu vực Azad Kashmir, ở giữa khu vực Kashmir thuộc Pakistan và tỉnh biên giới Tây Bắc, là khu vực thường xuyên diễn ra các hoạt động kiến tạo địa tầng, khiến vùng đất này không ổn định và đó là nguyên nhân gây ra vụ động đất kinh hoàng này.

Vụ động đất tại Pakistan xảy ra gần 1 năm sau vụ động đất gây ra sóng thần tại khu vực biển Ấn Độ Dương. Trận động đất mạnh 9,0 độ richter, có tâm chấn tại phía Tây bờ biển Sumatra (Indonesia) vào ngày 26-12-2004. Cường độ trận động đất mạnh đã gây ra sóng thần với những cột sóng cao đến 30m, tàn phá các vùng đất rộng lớn bám biển Ấn Độ Dương. Thảm họa thiên nhiên này đã giết chết 230.000 người tại 11 quốc gia tại khu vực này, trong đó các nước như Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan là gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất.

Cơn đại hồng thủy đã gây ra thảm họa nhân đạo cho nhiều quốc gia. Indonesia, một trong những quốc gia chịu thiệt hại lớn, và các hòn đảo ở phía Đông Bắc thuộc lãnh thổ nước này, đều nằm trong khu vực vành đai lửa Thái Bình Dương. Trong khi đó, các đảo ở phía Nam và phía Tây Indonesia từ Sumatra, Java, Bali, Flores và Timor lại thuộc về vành đai Alpide, một rặng núi kéo dài đến rìa phía Nam của lục địa Á - Âu. Vành đai lửa Thái Bình Dương được biết đến là “khu vực của động đất” trong khi đó vành đai Alpide là khu vực vẫn đang trong quá trình vận động địa chất khá mạnh mẽ nên những thảm họa thiên tai vẫn luôn rình rập tại các quốc gia ở những khu vực này.

Những vụ động đất kinh hoàng tại châu Á ảnh 2

Thi thể nạn nhân ở Đường Sơn được đưa ra khỏi đống đổ nát. (Trận động đất năm 1976)

Hai trận động đất tại Iran vào những năm 2003 và 1990 cũng được coi là những trận động đất kinh hoàng để lại những thiệt hại lớn về con người, vật chất. Ngày 26-12-2003, theo con số thống kê của hãng tin Reuters, gần 30.000 người dân ở thành phố Bam thuộc tỉnh Kerman đã bỏ mạng bởi trận động đất mạnh 6,6 độ richter xảy ra ở khu vực này.

Trong khi đó, hãng BBC cho biết 70% thành phố Bam đã bị phá hủy bởi trận động đất và con số người chết có thể tăng lên 70.000 người. Tuy nhiên, hãng thông tấn IRNA của Iran sau đó công bố số người thiệt mạng trong thảm họa thiên nhiên này chỉ dừng lại ở mức 26.271 người. Ngoài những mất mát về con người, thiệt hại về vật chất của TP Bam là không nhỏ.

Bam là TP nổi tiếng với Pháo đài Bam, bằng chứng về sự phát triển của TP có 2.000 năm lịch sử của một triều đại hưng thịnh của Iran (từ năm 248 trước công nguyên đến năm 224 sau công nguyên). Pháo đài Bam được coi là công trình kiến trúc bằng gạch sống (gạch được phơi nắng, không nung) lớn nhất thế giới. Cùng với thông tin về số nạn nhân thiệt mạng, IRNA cũng “buồn bã” thông báo rằng thành cổ Bam “đã bị chôn vùi trong lòng đất”.

Cách trận động đất tại Bam 13 năm, tháng 6-1990, trận động đất được nhiều người biết đến với cái tên Trận động đất Manjil - Rudbar cũng là một thảm kịch không thể quên. Trận động đất với cường độ 7,7 độ richter, tâm chấn trại TP Rasht, cách 200 km về phía Tây Bắc thủ đô Tehran, đã làm 50.000 người thiệt mạng. Các thành phố Rubar, Manjil và Lushan cùng 700 ngôi làng khác đã bị phá hủy hoàn toàn, đời sống của hàng ngàn người dân bị đảo lộn. Hàng trăm ngàn ngôi nhà đã bị đổ sập, hơn 60.000 người bị thương và nửa triệu người mất nhà ở. Chỉ tính riêng thiệt hại về vật chất tại 2 tỉnh Tây Nam biển Caspi là Gilan và Zanjan đã lên đến 7 triệu USD.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố tình hình tại Tứ Xuyên nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu nhưng chắc không ai mong muốn rằng “bóng ma” Đường Sơn 1976 sẽ quay trở lại trong lần này. Trận động đất ngày 28-7-1976 có lẽ là thảm họa thiên tai lớn thứ 2 trong lịch sử tính đến thời điểm này với 240.000 người thiệt mạng (xếp sau cơn bão tại Bangladesh 11-1970 với 300.000 người).

Đường Sơn nằm ở phía Bắc Trung Quốc, cách thủ đô Bắc Kinh 150 km về phía Đông. Theo các nhà địa chất học Trung Quốc, Đường Sơn nằm ở khu vực từ lâu đã được cảnh báo là “cái nôi” sản sinh ra các vụ động đất, các hoạt động địa chất tại đây diễn ra khá mạnh. Để chứng minh, các nhà nghiên cứu đã liệt kê một loạt các dẫn chứng như năm 1967 tại Hejian (cách Đường Sơn 225 km về phía Tây Nam) xảy ra trận động đất 6,3 độ richter, Bohai - 1967, Haicheng - 1975 (cách 400 km về phía Đông) lần lượt là 7,4 và 7,3 độ richter, Horinger - 1976 (cách 550 km về Tây) mạnh 6,3 độ richter.

Nỗ lực cảnh báo thiên tai

Tổng kết về các thảm họa thiên nhiên trên cho thấy các trận động đất, sóng thần xảy ra thường xuyên tại các khu vực thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương hay những khu vực có nhiều hoạt động địa chất diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù ai cũng biết thiên nhiên luôn bất thường, thảm họa luôn rình rập, ập đến không báo trước nhưng hiện nay với hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần, những thảm kịch mà thiên tai gây ra hy vọng sẽ được giảm thiểu.

Nhật Bản là quốc gia luôn phải đối phó với động đất và sóng thần nên hệ thống cảnh báo 2 loại này được Nhật Bản thiết kế và xây dựng rất hiệu quả. Hiện hệ thống cảnh báo ở Nhật Bản có thể gửi thông tin đến người dân chỉ 2 - 3 phút sau khi động đất và sóng thần xảy ra. Cùng với Nhật Bản, Mỹ cũng là nước phát triển trong lĩnh vực dự báo động đất, sóng thần. Đến nay, hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương đã có 26 thành viên: Australia, Canada, Chile, Costa Rica, Pháp, Philippines, Indonesia… Hệ thống hiện có hàng trăm trạm đo địa chấn, triều cường và truyền tin về động đất, sóng thần đặt xung quanh bờ biển Thái Bình Dương. 

ĐỖ CAO
(
Theo Wikipedia, USGS)

Tin cùng chuyên mục