“Ai tới là giới thiệu, giao hàng liền nghen, không cần đợi đủ”, bà Ngô Thị Cúc, Bí thư Chi bộ khu phố 3, khai mở phiên chợ 0 đồng sáng 15-10, phiên chợ phục vụ miễn phí cho người nghèo khó.
Phiên chợ “3 trong 1”
“Chợ hôm nay có 22 sạp hàng, đủ thứ cho bà con mình lựa nha”, “Mời bà qua đây nhận túi đựng hàng”, “Cá tươi nè ông Ba ơi”, “Gạo ngon lắm nghe dì Tư”, “Mấy em Đoàn thanh niên ra dẫn cô bác mình vào chợ đi kìa”... Tiếng cười nói vui nhộn, tiếng mời chào rối rít cả góc chợ, người bán, người mua ai nấy đều vui vẻ trao nhận những trái bầu, chai dầu, bó rau, bao gạo, thùng mì.
“Vậy là đủ gạo ăn tháng này rồi đó”, bà Giàu vui vẻ nói. “Nhận quà hôm nay vui không bà?”, chúng tôi hỏi. “Vui chứ. Tui năm nay 3 lần được nhận quà từ phiên chợ này rồi đó”, bà Giàu hồ hởi nói. Bà Ngô Thị Ba, 83 tuổi, nhà ở khu trọ bên đường, đứng cạnh bà Giàu, nói chen vào: “Đây cũng đủ hết nè, gạo, mì, rồi đường, mắm, bột nêm và cả rau dưa nữa. Nhà có 7 - 8 miệng ăn, nhiêu đây quý lắm…”.
7 giờ, chợ càng thêm nhộn nhịp người, xe, hàng hóa. “Nay có gì mang đến cho bà con đấy anh Năm?”. “Sáng nay cắt được chục trái bầu, bó rau đắng thôi cô Cúc ơi”. “Đấy anh xem, nhiều nhà quanh đây thấy chợ họp là mang hàng ra tiếp thêm cho các sạp. Cả cán bộ, đảng viên trong khu phố này, ai cũng tham gia, người góp tiền tiết kiệm, người góp bao gạo, chai dầu, thùng mì, hoặc nhà nuôi trồng được cây gì, con gì là nhín chút mang đến góp vào cho sạp hàng đủ đầy thêm. Nhiều hộ khá trong khu phố thì góp tiền để chị em hội phụ nữ, thanh niên đi chợ đầu mối mua hàng cho rẻ. Tối trước ngày phiên chợ diễn ra, chị em ở các tổ dân phố ra phụ phân rau dưa thành từng bó, rồi gói ghém tiêu, ớt, chuẩn bị hàng cho ngày hôm sau”, chị Cúc vui vẻ nói.
Đưa chúng tôi xem chiếc túi vải được các chị em phát cho người dân khi vào chợ lấy hàng, chị Cúc nói thêm: “Mặt túi bên này chúng tôi in logo phiên chợ 0 đồng và dòng chữ tuyên truyền về môi trường, không sử dụng túi ni lông, hộp xốp, vật liệu làm bằng nhựa. Mặt bên kia túi thì hướng dẫn bà con cách phân loại rác tại nguồn. Mỗi phiên chợ phát ra cũng cả mấy trăm cái túi như vậy”.
Để có những chiếc túi thân thiện môi trường này tặng bà con đi chợ, chị Cúc và các đảng viên, hội viên các đoàn thể trong khu phố chia nhau đi vận động xin vải ở các cơ sở sản xuất, rồi góp tiền đặt may.
Không chỉ tuyên truyền về môi trường, mỗi phiên chợ, các đảng viên trong khu phố còn chọn ra một nội dung về pháp luật đời sống, chăm sóc sức khỏe, sống sạch để tư vấn, hướng dẫn cho người dân. Anh Khanh, Trưởng ban MTTQ khu phố, cho biết: “Phiên chợ hôm nay tập trung tuyên truyền về diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết. Không chỉ được nhận những phần quà từ phiên chợ nghĩa tình này, người dân còn có thêm kiến thức, hiểu biết về sức khỏe, môi trường, giúp nâng cao đời sống ngày càng tốt hơn”.
9 giờ, nhiều sạp đã hết sạch hàng, trên khuôn mặt các “chủ sạp” ai nấy đều tươi rói. Nhẩm tính số người đến nhận hàng, chị Cúc vui vẻ nói: “Hơn 130 người. Mỗi phiên chợ lại có thêm những người nghèo khó, không chỉ ở trong khu phố, mà còn có chị bán vé số, anh chạy xe ôm trong khu vực nhận được những phần quà nghĩa tình”. Kết thúc phiên chợ nghĩa tình, chị Cúc nhắc mọi người: “Từ giờ đến tết còn một phiên chợ nữa, bà con mình đến nhé, nhớ là sáng 15-1-2020 đấy”.
Chợ tình thương của người bệnh
Ở Bệnh viện Quận Thủ Đức cũng có những phiên chợ 0 đồng duy trì hơn 2 năm nay và được người bệnh có hoàn cảnh khó khăn nằm điều trị tại đây gọi bằng cái tên thân thương: “Chợ tình thương”. Mỗi năm, chợ chỉ họp 2 phiên, vào dịp Tết Đoan ngọ và trước Tết cổ truyền.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Quận Thủ Đức, giới thiệu với chúng tôi, phiên chợ tình thương này có sự chung tay, góp sức của rất nhiều mạnh thường quân, trong đó có những người bệnh đã điều trị khỏi và cả thân nhân người bệnh đã quá cố.
Chị Mỹ Châu nói: “Nhiều năm trước có chị Thắng, nhà dưới Tiền Giang lên chăm chồng bị bệnh nặng. Chồng chị không qua khỏi, chị về quê nhà nhớ lại những phiên chợ tình thương chăm giúp bao mảnh đời bệnh tật, khốn khó và đã quay lại gửi từng bao gạo, ký đường, hộp sữa góp cho phiên chợ. Có chị Hằng ở Bến Tre, cứ mỗi phiên chợ lại “bao” xe tải chở vài tấn gạo lên tặng bà con nghèo. Còn nhiều lắm những bệnh nhân sau những tháng ngày điều trị tại bệnh viện đã quay lại cùng với những nhà hảo tâm, tấm lòng vàng góp sức cùng chúng tôi duy trì những phiên chợ yêu thương này”.
Lật giở quyển sổ ghi chép hoạt động của các phiên chợ, chị Mỹ Châu thống kê, qua 4 lần họp chợ, đã có hơn 1.000 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nằm điều trị tại bệnh viện nhận được những phần quà nghĩa tình (mỗi phần quà 300.000 - 400.000 đồng).
Lần đầu chỉ hơn 200 bệnh nhân, các lần sau tăng lên, tới phiên chợ dịp Tết Đoan ngọ vừa qua là hơn 400 bệnh nhân. Số hàng hóa và lượng sạp bày tại chợ cũng tăng đáng kể. Ngoài 1 bao gạo 10kg, 1 thùng mì gói và 1 hộp sữa, mỗi bệnh nhân đến chợ còn nhận thêm 1 phiếu được quyền chọn 7 món hàng thiết yếu.
Chị Mỹ Châu nói thêm: “Mỗi phiên chợ chúng tôi còn được hỗ trợ, tiếp sức của cả trăm mạnh thường quân, tình nguyện viên đến sắp xếp sạp chợ, chia gói hàng hóa rồi hướng dẫn, giúp đỡ bệnh nhân chọn hàng tại các gian hàng. Từ hiệu quả và sức lan tỏa của các phiên chợ 0 đồng, tới đây bệnh viện sẽ tăng số phiên mỗi năm lên 3, 4 lần và tăng chất lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Mong muốn của ban giám đốc bệnh viện là phiên chợ không chỉ là 0 đồng, mà còn là phiên chợ xanh với những hàng hóa thân thiện môi trường, phù hợp cho việc chăm sóc sức khỏe theo từng loại bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra, trong mỗi phiên chợ sẽ tổ chức bán đấu giá tranh, vận động tài trợ mua thẻ BHYT cho những trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, mời gọi, huy động thêm nguồn lực xã hội cùng với bệnh viện chăm lo, hỗ trợ về vật chất, tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị, vượt qua bệnh tật”.
Nhắp vào liên kết Fanpage “Bệnh viện Quận Thủ Đức” trên Facebook, chị Mỹ Châu hồ hởi khoe với chúng tôi: “Còn hơn 2 tháng nữa mới tới phiên chợ cuối năm mà giờ này anh thấy đấy, đã có bao nhiêu người vào chia sẻ, đăng ký tham gia. Vui và hạnh phúc vì sau mỗi phiên chợ, chúng tôi lại có thêm những người bạn ở khắp mọi nơi cùng góp sức, chia sẻ tình yêu thương, giúp đỡ những người bệnh khốn khó. Mùng 5-1-2020 anh nhé, hãy đến với phiên chợ tình thương của bệnh viện chúng em…”. Tôi nhận lời mời yêu thương này của chị Mỹ Châu, và hứa với chị sẽ đến, để góp một phần yêu thương giúp những người bệnh vượt qua khó khăn.
“Sau hơn 1 năm triển khai mô hình phiên chợ 0 đồng, trên địa bàn quận Thủ Đức hiện có nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện với những cách làm mới, hấp dẫn, lan tỏa yêu thương đến với mọi người. Tại phường Hiệp Bình Phước có khu phố 3, 6; phường Linh Đông có 2 khu phố; phường Tam Bình, phường Linh Tây do Hội Liên hiệp Phụ nữ đứng ra tổ chức. Hay nồi cháo tình thương của Công an phường Tam Bình tổ chức hơn 3 năm qua, nay cũng đã lan tỏa đến nhiều khu vực trong địa bàn quận. Những mô hình ý nghĩa, thiết thực trên đã góp phần cùng các cấp chính quyền chăm lo đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Thủ Đức, cho biết. |