LTS: Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân TPHCM đã có rất nhiều mô hình, cách làm hay, đột phá, sáng tạo. Hiệu quả mang lại từ những cách làm nói trên đã góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc nổi cộm từ cơ sở, theo hướng có lợi cho dân; cùng với đó là phát huy dân chủ, chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân. Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Những việc làm thiết thực vì dân” giới thiệu đến bạn đọc những công trình, mô hình, cách làm hiệu quả thiết thực từ cơ sở. |
Làm đường cho dân
“A lô, Bí thư Trung hả, có ở phường không, mình xuống gặp”. Nói rồi, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy giục chúng tôi theo anh xuống phường Tăng Nhơn Phú A để nghe về vụ việc khiếu nại giữa người dân và một doanh nghiệp (DN).
Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú A Nguyễn Thành Trung hồ hởi nói: “Vụ Công ty A.P. với dân ở tổ dân phố 1, tới nay về pháp lý thì chưa xong, nhưng cách thức giải quyết đã có rồi”. Anh Nguyễn Thành Trung cho biết, trên địa bàn có khu đất khá lớn nằm trong dự án của Công ty A.P. Gần cuối khu đất có con đường nhỏ hơn 50m, từ lâu người dân đi tắt qua lại thành đường dân sinh. Khi triển khai dự án, Công ty A.P. đóng con đường này lại. Về pháp lý thì không sai, nhưng về tình thì gây khó khăn cho hơn 30 hộ dân ở phía trong, muốn ra đường lớn phải đi vòng lên phía trên mất mấy trăm mét. Dân làm đơn khiếu nại gửi khắp nơi, còn DN thì thấy đúng là làm, không gặp dân giải thích, càng đẩy vụ việc thêm phức tạp. Trực tiếp Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy và Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú A Nguyễn Thành Trung nhiều ngày liền xuống vận động, thuyết phục người dân và DN.
Cuối cùng, phương án được đưa ra là, Công ty A.P. mở một con đường phía cuối ranh đất, thay cho con đường mòn đi xuyên qua khu đất mà người dân nhiều năm đã sử dụng. Đầu tiên, DN nhất quyết không chịu, vì phải điều chỉnh quy hoạch, tốn chi phí. Để hỗ trợ DN, phường và quận đứng ra lo thủ tục điều chỉnh quy hoạch. DN tuy chịu thiệt một chút nhưng có thêm một tuyến đường rộng rãi đi qua dự án, còn người dân thì có đường để đi.
“Thuyết phục bằng phương án này, DN đồng ý ngay. Trong khi chờ thủ tục điều chỉnh quy hoạch, quận hướng dẫn DN làm đường để dân đi”, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nói.
Tại phường Long Thạnh Mỹ (quận 9) cũng có một vụ việc tương tự, được giải quyết có lợi không chỉ cho người đi khiếu nại mà còn cho hàng chục hộ dân trong khu vực. Chúng tôi được Bí thư Đảng ủy phường Long Thạnh Mỹ Lê Thị Kim Liên đưa xuống khu phố Gò Công, chứng kiến con đường hơn 100m chạy dọc theo chợ Long Thạnh Mỹ, được thực hiện từ vụ việc khiếu nại của ông Trần Văn Nhắng.
Ông Lê Văn Hòa, Trưởng khu phố Gò Công, nói: “Chỗ mà chúng ta đang đứng trước kia lầy lội, rác từ trong chợ đổ ra hôi thối. Phía cuối chợ là khu đất hơn 1.000m² của ông Nhắng. Phía ngoài giáp chợ là đất thổ cư được xây nhà ở, còn phần lớn bên trong là đất nông nghiệp. Mấy năm trước, ông Nhắng xin tách thửa nhưng không được, vì không có đường hiện hữu.
Đảng viên khu phố Gò Công tuyên truyền vệ sinh môi trường tại khu chợ Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM Ông Nhắng khiếu nại, cho rằng UBND phường và quận làm khó, không cho tách thửa. Giải thích mấy ông Nhắng cũng không nghe, thậm chí quận và phường cũng nhiều lần xuống thuyết phục. Rồi đảng viên trong chi bộ khu phố chia nhau xuống địa bàn gặp hơn 40 hộ dân dọc chợ Long Thạnh Mỹ vận động hiến đất mở một con đường chạy thẳng vào phần đất phía trong của ông Nhắng. Lấy chuyện có đường thì ông Nhắng tách được thửa, còn người dân có đường rộng rãi, sạch sẽ để đi ra thuyết phục. Cuối cùng vụ việc đi đến đồng thuận. Chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí làm đường, ông Nhắng rút đơn khiếu nại, đồng thời hợp tác với phường và dân mở đường. Hơn 1 tháng sau, đường làm xong, ông Nhắng cũng xong thủ tục tách thửa, tiến hành xây dãy nhà trọ cho thuê. Ông Nhắng và cả khu phố đều vui vì cách làm hợp lòng dân của phường Long Thạnh Mỹ”.
Nhật ký giải quyết việc dân
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6 (quận 6) Nguyễn Huy Thắng dẫn chúng tôi xuống khu phố 1 giới thiệu về mô hình “Lắng nghe và phục vụ”, được triển khai rộng rãi tại các khu phố thời gian qua và một số việc làm vì dân khác mà các đảng viên trong chi bộ đã thực hiện.
Lật quyển sổ ghi chép của đảng viên trong khu phố, bà Trần Thị Cúc, Bí thư chi bộ, nói: “Từ đầu năm đến nay được gần 50 việc làm. Hàng ngày, đảng viên chia nhau tới các tổ dân phố tìm hiểu, lắng nghe dân phản ánh từ chuyện vệ sinh môi trường, ngập nước, rồi hộ nghèo, cận nghèo có chuyện gì cần giúp đỡ… Đây, như phản ánh của chị Nga về một hộ dân ở đường Lê Quang Sung, tổ dân phố 8, nuôi thả, giết mổ gia cầm, gây phát tán mầm bệnh. Chi bộ báo lên phường. Ngày hôm sau, cơ quan thú y xuống lập biên bản xử lý ngay. Hay tình trạng xả rác, đổ nước thải ra môi trường, khi có phản ánh của dân, đảng viên của chi bộ xuống ghi nhận, báo cáo ngay lên phường để xử lý. Nhờ vậy, tình trạng vệ sinh môi trường trong khu phố thời gian qua được cải thiện đáng kể”.
Bà Trần Thị Cúc (trái), Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 6, quận 6, TPHCM, tiếp nhận phản ánh của hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ kế sinh nhai Ngoài mô hình “Lắng nghe và phục vụ” do Đảng ủy phường triển khai, hiện 6/6 khu phố trong phường 6 còn đồng loạt thực hiện mô hình “Ngày vì dân”. Dịp lễ tết hàng năm, các khu phố chọn ra một ngày chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo thông qua các hoạt động tặng quà, phát học bổng, khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Kinh phí thực hiện do đảng viên trong chi bộ tự nguyện đóng góp ngày lương, thu nhập, hoặc vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ.
Cách làm này, như bà Trần Thị Cúc nói, giúp các đảng viên trong chi bộ sâu sát hơn tình hình ở từng địa bàn, từng hộ gia đình; hễ có khó khăn gì, có chuyện gì bức xúc, chưa hiểu là cấp ủy Đảng, chính quyền biết và có biện pháp xử lý ngay. Từ đó, mối quan hệ giữa Đảng với dân gần gũi, sát thực hơn, hạn chế tối đa những sự việc phức tạp có thể xảy ra.
Cũng từ mong muốn được lắng nghe, phục vụ dân tốt hơn, chị Trịnh Thị Ngọc ở phường 9 (quận 6), công chức tư pháp, hộ tịch, chọn cách làm tối ưu hóa trong giải quyết thủ tục hành chính cho dân.
Chị kể: “Xuất phát từ yêu cầu công việc, tôi đề xuất với lãnh đạo phường được tiếp dân sau giờ hành chính, từ 17 giờ trở đi. Người dân có nhu cầu làm các thủ tục tư pháp nhưng do bận, lo công việc làm ăn không đến được trong giờ hành chính thì chiều tối có cán bộ tại UBND phường trực giải quyết. Trường hợp già yếu, tật nguyền muốn làm giấy tờ gì chỉ cần nhắn tin lên phường sẽ có cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn, sau đó trả kết quả hồ sơ đến tận nhà”.
Với công việc hộ tịch, tư pháp của mình, chị Ngọc còn có sáng kiến thiết lập phần mềm lưu trữ dữ liệu cá nhân của cư dân trong phường từ tháng 10-1986 trở về sau này. Khi có người dân xin trích lục khai sinh, giấy khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân… là chị có thông tin, trình ký ngay, không phải chờ lâu hay hẹn sang ngày khác. Không ít trường hợp khó khăn, già yếu, tật nguyền đã được chị Ngọc sau giờ làm việc chạy xe máy tới tận nơi hướng dẫn khai hồ sơ, khi có kết quả lại mang đến tận nhà để trả.
“Có trường hợp hộ khẩu thường trú ở phường 9, nhưng tạm trú tận Bình Chánh, Nhà Bè, nhưng không đi lại được, tôi nhờ anh em trong phường chở đến tận nơi làm, không kể đêm hôm, mưa gió. Làm được việc gì giúp dân và thấy người dân vui là chúng tôi hạnh phúc lắm”, chị Trịnh Thị Ngọc vui vẻ nói.
HOÀI NAM