Lập quy hoạch tổng thể thoát nước
Bản đồ số hóa hiện trạng hệ thống thoát nước TPHCM là một tài liệu rất quan trọng, một công cụ đắc lực cho công tác quản lý, thiết kế, thi công, quy hoạch hệ thống thoát nước, cũng như biết rõ và dự báo về tình hình ngập lụt trên địa bàn để có biện pháp khắc phục. Việc thiết lập bản đồ số hóa hệ thống thoát nước còn phục vụ tốt cho nhiệm vụ xây dựng TP thông minh mà chúng ta đang hướng tới. Mãi đến năm 2015 Trung tâm Chống ngập TPHCM mới bắt đầu triển khai thực hiện công việc này, nhưng chỉ mới làm ở một số quận nội thành (quận 3, 4, 5, 6, 10, 11).
Bản đồ số hóa hiện trạng hệ thống thoát nước TPHCM cần được hoàn chỉnh ngay trong năm nay, thể hiện rõ các thông tin: kích cỡ cống thoát nước, độ dốc chiều dài các đoạn cống; hướng nước chảy; vị trí các hố ga và cống trên đường phố; vị trí các cửa xả ra sông kênh rạch; cốt mặt đường, đáy cống, hố ga, cửa xả; các đoạn cống quá cũ hư hỏng cần sửa chữa; các vị trí thường ngập do triều, ngập do mưa; thời gian, tần suất, độ cao và diện tích ngập của các điểm ngập…
Để việc chống ngập hiệu quả, đúng hướng, việc có một quy hoạch tổng thể thoát nước cho toàn TP phải được nghiên cứu một cách kỹ càng, đầy đủ, hoàn chỉnh. Trong hơn 10 năm qua, tình hình TPHCM đã thay đổi rất nhiều nhưng quy hoạch thoát nước không thay đổi kịp, đã trở nên lạc hậu, lỗi thời. Có thể nêu ra các yếu tố chính đã thay đổi như sau: Triều đã thay đổi theo xu thế ngày càng dâng cao. Mưa lớn thường xuyên, vũ lượng tăng cao làm vượt khả năng thoát nước của hệ thống cống. Đô thị nén, mật độ xây dựng tăng cao, hệ số dòng chảy tăng cao do bê tông hóa quá nhiều, làm cho lưu lượng nước chảy trong cống tăng gấp vài lần so với thiết kế. Đô thị đang bị sụt lún thấp dần do khai thác nước ngầm quá nhiều, làm cho diện tích ngập ngày càng tăng thêm.
TPHCM nên hoàn thành sớm việc lập “Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trên cơ sở “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, để sớm có quy hoạch thoát nước chuyên ngành hoàn chỉnh, có chất lượng, phục vụ tốt cho việc chống ngập.
Thay thế hố ga và van ngăn triều
Các số liệu nghiên cứu khảo sát thực tế tại TPHCM đã cho thấy chỉ có khoảng 28% điểm ngập là do triều cao, mưa lớn. Có đến 70% lý do ngập là do miệng cống (hố ga thu nước mưa) bị nghẹt, lòng cống nghẽn và cửa xả nước ra sông bị lấp.
Hình ảnh về các van ngăn triều không bảo đảm kỹ thuật (Ảnh: Cty KM)
Hiện TPHCM đang quản lý 3.123km cống các loại, 210.000 hố ga thu nước mưa trên các tuyến đường, trong đó có khoảng 147.000 là hố ga cũ xây dựng đã lâu (chiếm 70%). Các miệng cống thoát nước của TPHCM hiện nay có nhiều lỗi kỹ thuật: miệng cống dễ bị nghẹt là do thiết kế theo kiểu cũ không bảo đảm ngăn bùn và rác vào cống; không ngăn được mùi hôi, không cản được các sinh vật gây bệnh (gián, chuột, muỗi…). Bởi vậy việc thay thế các hố ga thu nước cải tiến có khả năng khử mùi và khử rác chui vào cống là một yêu cầu cấp bách trong việc quản lý hệ thống thoát nước TPHCM, góp phần chống ngập.
Năm 2017, TPHCM đã giao Công ty Thoát nước đô thị xây dựng thí điểm 338 hố ga thu nước mới có khả năng khử mùi, khử rác. Đến nay việc này chưa được tổng kết có thành công hay không. Một số công ty trong nước hiện cũng đã nghiên cứu các hố ga đáp ứng chức năng khử rác, khử mùi. TPHCM nên thử nghiệm để so sánh, lựa chọn mẫu hố ga tốt nhất đưa vào sử dụng đại trà. Việc này có thể tiến hành trên tinh thần xã hội hóa, sẽ có lợi hơn và nhanh hơn.
Chỉ thay thế 147.000 hố ga cũ với kinh phí 8,5 triệu đồng/ hố ga, tổng cộng khoảng 1.250 tỷ đồng, chúng ta đã có thể chống ngập cho khoảng 70% điểm ngập và góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường cho TPHCM. Ngoài ra việc thay thế hố ga này sẽ giúp tiết kiệm hàng năm hàng trăm tỷ đồng cho việc duy tu nạo vét đường cống thoát nước (năm 2016 là 324 tỷ đồng, năm 2017 là 365 tỷ đồng). Thay thế các hố ga thu nước mưa hiện nay bằng hố ga cải tiến khử rác, khử mùi là yêu cầu cấp bách không nên chậm trễ. Đây là biện pháp nhỏ, ít tốn kém nhưng hiệu quả rất lớn.
Trên toàn địa bàn TP hiện đã lắp đặt và quản lý 1.077 van ngăn triều, với chức năng đóng lại khi triều cao để ngăn triều vào cống, mở ra khi mưa to để thoát nước ra sông. Với đô thị, các van ngăn triều còn phải chống được rác lấp đầy, chống được lực va chạm của sinh hoạt đô thị, và dễ dàng tháo lắp, bảo trì, đấu nối thuận lợi trong mọi địa hình. Các van ngăn triều mà TPHCM lắp đặt hiện nay chủ yếu là các van ngăn của ngành nông nghiệp, không đáp ứng đầy đủ các chức năng nói trên. Thay thế các van ngăn triều không bảo đảm kỹ thuật hiện nay cũng là một công việc cấp bách không thể chậm trễ, vì nếu không làm thì kinh phí bỏ ra xây đập ngăn triều cũng vô ích, ngập vẫn hoàn ngập.
Do vậy, TP cần có một cuộc khảo sát đánh giá đầy đủ và kết luận chính xác về việc hiện có bao nhiêu van ngăn triều còn hoạt động được, bao nhiêu van ngăn triều không hoạt động tốt, để kịp thời có biện pháp khắc phục. TPHCM cũng cần lựa chọn loại van ngăn triều phù hợp để đưa vào sử dụng; tốt nhất là tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có khả năng đền bù thỏa đáng (bảo hiểm hành nghề tư vấn theo luật quốc tế), để có thể chi trả tiền đền bù cho chủ đầu tư nếu như công trình không đạt yêu cầu.