Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).
Ngoài ra, thí sinh cũng được phép mang vào phòng thi máy ghi âm và ghi hình nhưng chỉ có chức năng ghi mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ.
Thí sinh không được phép mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Khi vào phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định như trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp.
Ghi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi tại phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi phát đề. Trong suốt quá trình làm bài, thí sinh không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi.
Muốn phát biểu phải giơ tay, khi được cán bộ coi thi cho phép, thí sinh đứng trình bày công khai ý kiến của mình. Ngoài ra, bài làm không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm), chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ).
Thí sinh phải bảo quản tất cả bài thi nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng. Nếu phát hiện có người khác xâm hại đến bài thi của mình phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.