Theo văn bản hợp nhất nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo do Bộ Y tế ban hành tháng 1-2019, vừa có hiệu lực thực hiện từ ngày 15-3-2019, các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Hệ thống hóa quy định pháp luật về hỗ trợ sinh sản
Vấn đề này không mới, từ năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2003/NĐ-CP (về sinh con theo phương pháp khoa học), năm 2015 có thêm Nghị định 10/2015/NĐ-CP (về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo). Nay với văn bản của Bộ Y tế vừa có hiệu lực, đã hệ thống hóa quy định pháp luật về việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, khẳng định quyền có con của những cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân. Cùng với điều này, có nhiều vấn đề xã hội đặt ra cho việc tổ chức thực hiện quyền có con đúng khoa học, đúng pháp luật và thực sự nhân văn.
Thực tế lâu nay đã có nhiều người thực hiện quyền có con theo cách lách luật. Việc hiến tinh trùng hay trứng là việc làm nhân đạo đã bị không ít người lợi dụng, biến thành việc mua bán trái luật. Đã có những phụ nữ nghèo bị dụ dỗ mang thai hộ để kiếm tiền, thậm chí bị lừa đưa sang Trung Quốc mang thai hộ.
Quyền có con được pháp luật bảo vệ
Nay pháp luật nước ta về việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã khá chặt chẽ và hợp lý. Theo đó, việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; có xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Song, nhằm bảo đảm chất lượng giống nòi, cũng nên đòi hỏi thêm các tiêu chuẩn tốt về hình thể, học vấn, sức khỏe của người hiến tinh trùng. Để ngăn chặn việc mua bán tinh trùng và trứng lách luật, lạm dụng chủ trương nhân đạo, trước hết, ngành y tế và các bệnh viện hỗ trợ sinh sản cần tích cực vận động hiến tinh trùng và trứng. Với quy định tinh trùng được hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người nhận (để phòng ngừa hệ lụy hôn nhân cận huyết ngẫu nhiên ở thế hệ sau), thì một người chỉ có thể hiến tinh trùng một lần, nên nguồn cung cấp tinh trùng sẽ càng thiếu.
Việc lấy và bảo quản trứng khó hơn, nên nguồn trứng càng hiếm. Một số bệnh viện hỗ trợ sinh sản có cách tạo nguồn tinh trùng dự trữ bằng cách trao đổi, quy định người muốn xin một mẫu tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng của bệnh viện thì phải vận động được một người thân quen tự nguyện đến hiến tinh trùng để bệnh viện dự trữ cung cấp cho người khác.
Trước kia, chuyện phụ nữ độc thân có con bị cộng đồng phê phán, dè bỉu, nay quyền có con của họ đã được pháp luật bảo vệ, ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ, dư luận xã hội cũng rất cảm thông. Một vấn đề pháp lý và xã hội khác phát sinh là trường hợp người phụ nữ độc thân muốn có con với người đàn ông đã có gia đình không phải bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo giải thích luật, trong trường hợp người phụ nữ xin con từ bất kỳ nguồn nào cũng không bị coi là phạm tội, bởi họ không có yếu tố cố ý hay vô ý vi phạm pháp luật. Chỉ khi họ kết hôn hoặc sống như vợ chồng với người đã có vợ mới bị coi là phạm luật. Vì vậy, xét cả về tình và lý đều không thể kết tội người phụ nữ có con trong trường hợp này.
Thực ra người ta chỉ nên có con với nhau khi thực sự yêu nhau, khi không thể như vậy mà muốn thực hiện quyền có con, những người phụ nữ độc thân cần cẩn trọng xem xét mình có làm tổn hại đến người khác không, mình có đủ sức làm bà mẹ đơn thân không, mình có thể nuôi dạy con nên người không.
Cũng cần nghĩ đến những thiệt thòi của đứa con sinh ra và lớn lên thiếu người cha. Về chính sách xã hội, rất cần có sự hỗ trợ đúng mức cả về tinh thần và vật chất để những bà mẹ đơn thân và các trẻ em chào đời trong hoàn cảnh này có được niềm vui sống trong cộng đồng.