Những vấn đề đặc biệt quan trọng mới phải xin ý kiến, còn lại giao doanh nghiệp tự chủ

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 17-4. Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp, dự thảo luật có nhiều điểm khác biệt quan trọng so với thiết kế ban đầu.

PHƠCs.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp UBTVQH, chiều 17-4

Các nguyên tắc được đảm bảo khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo là Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Đơn cử, điều 19 dự thảo quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn. Trường hợp huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp được chủ động quyết định nhưng phải gửi thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để giám sát.

Hay tại điều 20, dự thảo quy định theo hướng phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án sau khi cấp có thẩm quyền quyết định/phê duyệt chủ trương đầu tư mà không phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt (trường hợp vượt thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) như quy định hiện nay của Luật số 69/2014/QH13…

THẮNG.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ

Tán thành quan điểm phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động trong quản trị cho doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, chính sách tiền lương cần được điều chỉnh một bước để đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút được nhân lực chất lượng cao.

“Phải làm sao lương tại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo thu hút nhân sự chất lượng cao, cạnh tranh được với mọi thành phần kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Cùng mối quan tâm đến nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bổ sung: “Cần làm rõ thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp nhà nước; Thủ tướng quyết định nhân sự ở cấp nào, cơ quan đại diện sở hữu vốn quyết đến đâu, chủ tịch hội đồng thành viên quyết nhân sự chỗ nào”.

Về lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói: “Nếu bắt tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu đối với chính sách tiền lương nghe chừng can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đặt thêm thủ tục hành chính. Tôi ủng hộ quan điểm doanh nghiệp được tự quyết trên nguyên tắc đã có. Chủ tịch doanh nghiệp chia lương cho ông nhiều quá thì cơ quan kiểm tra vào xử lý".

QC CHIỀU.jpg
Quang cảnh phiên họp

Phát biểu sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Tài chính chỉnh lý quy định về xin ý kiến đại diện cơ quan chủ sở hữu, những vấn đề đặc biệt quan trọng mới xin ý kiến, còn lại giao cho doanh nghiệp tự chủ.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026, song Chính phủ đề nghị đẩy sớm thời hạn có hiệu lực lên ngày 1-7-2025.

Tin cùng chuyên mục