Chủ đề “Tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu để quản trị toàn diện và bền vững hơn” cho thấy mục tiêu củng cố vai trò của BRICS trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vấn đề khí hậu được đặc biệt quan tâm vì Brazil sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 30 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) trong năm nay.
Quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ là vấn đề trọng tâm bởi cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có cơ chế quản lý dù đã có nhiều cuộc thảo luận và cần có cách tiếp cận thống nhất để đưa ra các quy định trong BRICS.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia, Brazil tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự đã được thảo luận trước đây như mở rộng hợp tác liên ngân hàng và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước thành viên. Ông Saboia cũng khẳng định Brazil ủng hộ kết nạp thành viên mới và thúc đẩy hội nhập hài hòa của các quốc gia đối tác.
Trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS, gần 200 sự kiện sẽ được tổ chức, trong đó nổi bật là Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra tại Rio de Janeiro. BRICS hiện có 9 quốc gia thành viên, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Iran. Năm 2025, Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan chính thức gia nhập BRICS với tư cách là các quốc gia đối tác.
Với việc mở rộng thành viên, tổ chức này đang dần trở thành tập hợp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quy mô lớn nhất thế giới. Theo nhận định từ nền tảng phân tích dữ liệu Statista (Đức), sự gia nhập của các quốc gia mới sẽ giúp BRICS củng cố vai trò của mình như một đối trọng với G7 và các tổ chức phương Tây khác.