Bắt đất “nở hoa”
Đến cánh đồng lúa Lung Lớn (xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), hỏi thăm ông “Tuấn Lúa”- nông dân Nguyễn Thanh Tuấn, dân quanh vùng ai cũng tường tận. “Phải Tuấn làm 500ha ruộng không? Dân ở đây ai không biết ổng, bền chí, giỏi giang lắm”, một người dân vùng Lung Lớn nói.
Từ vùng đất nhiễm phèn nặng những năm 2000, nay đã hình thành vùng chuyên canh lúa rộng lớn, trải dài hàng trăm hécta. Trong số ít những người bền chí “bắt đất nở hoa” có ông Tuấn lúa. Đứng trên bờ ruộng, ông Tuấn hồi tưởng: Ngày đó vùng này là đồng tràm, cỏ năn, cỏ lác mọc um tùm. Đất nhiễm phèn nặng nên người dân bỏ đi làm ăn tứ xứ. Sự đổi thay chỉ bắt đầu khi hệ thống kênh T4, T5 dẫn nước vào ruộng lúa, thau chua rửa phèn. Theo ông Tuấn, để có những cánh đồng lúa trĩu nặng bông, đạt năng suất từ 7 đến 8 tấn/ha như hiện tại, đất đã có biết bao mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ. Cách đây 25 năm, cha ông Tuấn phải đào bới từng gốc tràm, gốc mía để trang phẳng mặt ruộng. Sau đó, đào hệ thống kênh mương ngang dọc như những “mạch máu” dẫn nước vào ruộng thau chua, rửa phèn. Có thời điểm, chân tay lở hết vì ngấm phèn nhưng các thế hệ trong gia đình ông Tuấn không hề bỏ cuộc.
Từ những vụ lúa đầu tiên với năng suất chỉ 3-4 tấn/ha thì nay với giống ST24, ST25, Đài Thơm 8, ông Tuấn đã “bắt đất đẻ” khoảng 8 tấn/ha. Hiện tất cả các khâu canh tác trên cánh đồng rộng 500ha của mình, ông Tuấn đã cơ giới hóa. Máy bay không người lái (drone), máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp giúp ông Tuấn giảm tối đa nhân công, tiết giảm chi phí nên đem lại lợi nhuận tốt hơn. Ông Tuấn cho biết, nhờ ghi rõ lịch gieo sạ, có người trông coi chuyên biệt từng ô, áp dụng cơ giới hiện đại nên lợi nhuận tăng hơn so với canh tác lúa truyền thống.
Hiện nay, mô hình trồng lúa hữu cơ của doanh nghiệp Tuấn Linh (do ông Tuấn làm chủ) mang lại doanh thu 29 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lợi nhuận còn 14 tỷ đồng/năm. Không chỉ trồng lúa, ông Tuấn còn kinh doanh vật tư và dịch vụ máy cày, máy cắt, lợi nhuận gần 2,2 tỷ đồng/năm. Ông đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 80 người lao động tại địa phương. Năm 2022, ông Tuấn lúa được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu.
Phi thương chưa chắc bất phú
Trái khóm Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) từ lâu nổi tiếng với vị ngọt đậm đà, khó quên. Gắn bó với nghề trồng khóm từ sau năm 1975, ông Dư Văn Thái (77 tuổi) đã tạo được cơ ngơi vững chắc cho gia đình, nuôi con cái ăn học thành tài. Là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, ông Thái đã làm sở cứ để thay đổi “lời nguyền” không phải cứ phi thương là bất phú.
Những ngày cuối tháng 10, cau sốt giá nên mỗi đợt hái cau mang ông bỏ túi hơn 20 triệu đồng. Đầu năm đến nay, ông bán hơn 20 tấn, nên cũng lận lưng mớ tiền kha khá. Trên diện tích hơn 2ha đất, ngoài 2.000 cây cau, ông còn trồng hàng trăm cây dừa và hàng chục ngàn cây khóm. Hiện mỗi năm gia đình ông Thái thu nhập trên 1 tỷ đồng từ mô hình trồng cây sinh thái 3 tầng như trên. “Nhờ bóng mát cây cau, dừa nên trái khóm ít bị cháy nắng, mẫu mã đẹp hơn. Cây cau không chiếm diện tích đất, còn dừa mang lại hiệu quả kinh tế cũng khá cao khi trồng xen canh”, ông Thái chia sẻ.
Chưa hết, ông Thái còn tận dụng phụ phẩm từ khóm, cau, dừa trộn với phân hữu cơ vi sinh hoai mục để ủ phân bón. “Hiện nay, 3 tháng tôi có thể xuất bán khoảng 200 tấn phân hữu cơ vi sinh, nên túi luôn rủng rỉnh để lai rai cùng bạn bè”, ông Thái hào hứng khoe. Với hơn 5ha trồng nhãn, 13ha trồng lúa cùng lợi nhuận hàng tỷ đồng, ông Trần Văn Lớn (65 tuổi, ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò) là nông dân Đồng Tháp duy nhất được tôn vinh trong danh sách 63 nông dân Việt Nam xuất sắc cả nước năm 2024. “Trồng nhãn nhẹ công chăm sóc, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Hiện vườn nhãn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, thương lái đến tận vườn tìm mua với giá ổn định, mang lại kinh tế khấm khá”, ông Lớn hào hứng cho biết.
Ngoài trồng nhãn, ông còn canh tác khoảng 13ha lúa tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Với lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha, ông trở thành “tỷ phú nông dân” được nhiều người thán phục. Ngoài làm kinh tế, ông và gia đình đã đóng góp 100% kinh phí khoảng 600 triệu đồng để mua xe chuyển bệnh cho bà con trên địa bàn xã Định An, tham gia xây dựng 2 cây cầu bê tông kiên cố, vận động xây dựng nông thôn với tổng trị giá hơn 276 triệu đồng. “Tôi từng trong hoàn cảnh khó khăn nên khi khá giả chỉ mong góp sức mình để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó”, ông Lớn chia sẻ.
Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, những nông dân Việt Nam xuất sắc như các ông Dư Văn Thái, Tuấn lúa, Trần Văn Lớn là tấm gương điển hình tiên tiến để bà con nông dân học hỏi. “Những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện hợp tác theo chuỗi giá trị ngành hàng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, từ đó hình thành nên thế hệ nông dân năng động, sáng tạo, giàu mạnh”, ông Thịnh chia sẻ.