Những trường mầm non triệu đô

Giáo dục mầm non (MN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. 
Những trường mầm non triệu đô
Nhưng hiện các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước gần như vắng bóng trường MN, khiến không ít bậc phụ huynh phải gửi con mình vào những lớp MN không đạt chuẩn, xa chỗ làm. Việc các doanh nghiệp trong các KCN ở Đồng Nai đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường MN dành riêng cho con công nhân là mô hình cần được nhân rộng ra cả nước.

Học miễn phí ở trường triệu đô


Vừa tan ca lúc 16 giờ, chị Nguyễn Thị Phương (quê ở Nghệ An) đã chạy vội đến trường chờ đón con, nét mặt của chị rạng ngời khi nhìn thấy con đang cùng với các bạn trong lớp chơi trò vận động ngoài sân cỏ. “Khi chưa có Trường MN Dona Standard, tôi và những người làm cùng công ty phải gửi con ở các nhóm lớp mẫu giáo tư nhân không phép, nên rất bất an vì sợ bị tai nạn và bạo hành. Bây giờ thì chúng tôi rất yên tâm vì công ty đầu tư xây dựng trường mẫu giáo đẹp, khang trang, hiện đại và còn cho học miễn phí nữa”, chị Phương nói. 

Trường MN Dona Standard đóng trên địa bàn KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), do Công ty Dona Standard thuộc Tập đoàn Phong Thái đầu tư xây dựng để chăm sóc và nuôi dạy con công nhân đang làm việc tại công ty, với tổng kinh phí là 3 triệu USD, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2016. Khuôn viên trường rộng 2,4ha gồm hàng chục phòng học, các phòng chức năng, khu vui chơi, khu vực ăn uống, cùng đội ngũ giáo viên giỏi (thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng). Trường trông giữ hơn 1.000 con công nhân từ 6 giờ 30 đến 20 giờ, nên dù tăng ca người lao động vẫn yên tâm làm việc. Trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên không thu học phí mà do công ty hỗ trợ, phụ huynh chỉ đóng góp tiền ăn cho mỗi cháu 430.000 đồng/tháng... Ngoài ra, các khoản bảo hiểm cũng được công ty hỗ trợ. 

Trước đó, Công ty TNHH Phương Đông thuộc Tập đoàn Phong Thái đóng tại KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom) cũng đầu tư xây dựng trường MN dành riêng cho con công nhân của công ty, với 30 phòng học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, tổng kinh phí hơn hơn 1 triệu USD, được trích từ quỹ phúc lợi của công ty. Mức học phí chỉ hơn 300.000 đồng/tháng/cháu, bao gồm cả tiền ăn. Công ty hỗ trợ thêm tiền sữa và các bữa phụ cho các cháu. Trường được xây gần với khu nhà ở công nhân nên rất thuận tiện việc đưa đón.  

Năm 2006, Tập đoàn Phong Thái cho biết đã đầu tư 14 triệu USD cho dự án phúc lợi đầu tiên, gồm 1 nhà lưu trú cho người lao động và 1 trường MN cho con em người lao động tại địa bàn huyện Trảng Bom. Đại diện lãnh đạo tập đoàn này bày tỏ: “Đồng hành với người lao động để mọi người xem công ty là nhà và an tâm làm việc, cống hiến, là mục tiêu mà tập đoàn hướng tới. Với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, được tuyển chọn kỹ càng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, chương trình học đa dạng, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng những lứa MN tương lai của đất nước phát triển toàn diện cả văn - thể - mỹ”.

Mô hình cần được nhân rộng

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, cho biết thực hiện Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp MN ở các KCN, KCX, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giao đất và các điều kiện để xây dựng những trường MN cho con công nhân lao động ở các KCN. Cụ thể, ngoài Tập đoàn Phong Thái, năm 2016 Công ty Tae Kwang Vina đã đầu tư và đưa vào sử dụng Trường MN tư thục Thái Quang (tại KCN Agtex Long Bình, thành phố Biên Hòa) với diện tích 7.500m2, có mức đầu tư trên 3 triệu USD, với quy mô chăm lo khoảng 1.000 cháu là con em công nhân của công ty. Hiện nay đã có 300 cháu đang theo học. 

Trước đó, năm 2013 Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa) cũng khai trương Trường MN Thế Giới Xanh (Green World) với 18 phòng học và 5 phòng chức năng, trong đó có phòng học nhạc và một phòng tập thể dục, đáp ứng tiếp nhận chăm sóc, giảng dạy cho 500 trẻ từ 2-5 tuổi.

Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, tỉnh chủ trương kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các trường MN nên ngoài những doanh nghiệp đầu tư lớn, hiện tại ở các KCN của tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng đã có trách nhiệm đầu tư, xây dựng nhà trẻ phục vụ con em công nhân, như ở huyện Nhơn Trạch có Công ty TNHH Hwaseung Vina đầu tư xây trường MN tại xã Hiệp Phước trị giá 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 trường tại xã Long Thọ trị giá 3 tỷ đồng. Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng trường MN ở xã Hiệp Phước. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam cũng đang xin chủ trương đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trường MN cho con công nhân tại xã Hiệp Phước. 

Cách làm hay như trên của các doanh nghiệp rất cần được nhân rộng, để đảm bảo nhu cầu học tập của con em công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục