Ngày 22-12, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM phối hợp Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Văn nghệ TPHCM tiến hành tổng kết và trao giải cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ.
Được phát động từ ngày 17-12-2021, cuộc vận động nhằm ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Bích Ngân trao giải Nhì cho hai tác giả Huỳnh Dũng Nhân và Bùi Minh Tuệ |
Đến cuối tháng 9-2022, Ban tổ chức nhận được 200 tác phẩm của 150 tác giả gửi về tham gia và hưởng ứng cuộc vận động. Cuộc vận động thu hút không chỉ một số nhà văn, nhà báo đã khẳng định tên tuổi và tâm huyết đề tài viết về chiến tranh, về những con người ngã xuống cho Tổ quốc, mà còn một số người viết vì thôi thúc tự thân trước những người thân yêu như người cha, người em mình đã hy sinh; một số bài viết được gởi đến từ những người chưa từng cầm bút, chưa từng xuất hiện trên văn đàn hay báo giới.
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển chia sẻ tại chương trình |
Thay mặt Ban tổ chức, Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển chia sẻ: "Cuộc thi, cuộc vận động viết nào cũng có những sai sót không tránh khỏi. Tuy nhiên trong thời gian ngắn, kể từ khi phát động và với một đề tài "chưa bao giờ cũ", cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ đã "cán đích" với sự vui mừng của Ban tổ chức, Ban giám khảo và những người thực hiện".
Nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, một trong hai tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) chia sẻ ngay sau khi nhận giải |
Tại lễ tổng kết và trao giải, nhìn lại một cách tổng thể những tác phẩm tham gia và hưởng ứng, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM bày tỏ: “Bài viết nào tham gia hay hưởng ứng cuộc vận động viết cũng khiến người đọc cảm nhận được nhịp tim mình đập nhanh hơn. Sau mỗi câu chuyện với những số phận được hiện ra trước mắt, khiến chúng ta vừa tự hào vừa nể phục trước sự hy sinh quá đỗi lớn lao nhưng đồng thời, cũng bật ra từ mỗi chúng ta những câu hỏi day dứt đến xót xa”.
Ban sơ khảo và Ban chung khảo đã làm việc hết mình, từ đó chọn ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải. Kết quả: 2 giải Nhì (không có giải Nhất) thuộc về các tác phẩm: Những người suốt đời “mua vé ngồi” (Huỳnh Dũng Nhân, TPHCM), Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng (Bùi Minh Tuệ, Hà Nội); 3 giải Ba gồm: Tinh thần Phù Đổng từ chiến tranh đến hòa bình (Hoài Hương, TPHCM), Thắm biếc một nhành lan (Nguyễn Minh Ngọc, TPHCM), Kiều Nguyệt Nga ngày nay (Bạch Phần, Đồng Tháp); 5 giải Khuyến khích gồm: Trần Duy Phương - người con gái kiên cường (Quế Hà, Hội An), Anh hùng nơi làng quê (Vũ Đảm, Hà Nội), Chuyện về các liệt sĩ hy sinh trước thềm giải phóng (Tiểu Linh, Hà Nội), Người bí thư xã lẫy lừng một thuở (Phạm Thị Toán, Đồng Tháp), Gặp lại nữ biệt động thành trên đất Cố Đô (Lê Hà - Quỳnh Anh, Huế).
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM giới thiệu về ấn phẩm "Triệu ngày khắc khoải" được phát hành ngay sau khi cuộc vận động kết thúc |
Dịp này, Ban tổ chức còn giới thiệu ấn phẩm Triệu ngày khắc khoải (NXB Văn học) tập hợp 20 bài viết hưởng ứng và 20 bài viết vào chung khảo cuộc vận động, với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo và tác giả như: Bảo Ninh, Trần Thế Tuyển, Bích Ngân, Đỗ Viết Nghiệm, Trầm Hương, Nguyễn Vũ Điền…